Ý tưởng về Thành phố phía Đông nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, giới đầu tư, kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới của TP HCM. Nhiều vấn đề được đặt ra như quy hoạch tổng thể phát triển khu vực trong TP HCM, tạo sự kết nối giữa các không gian tránh thiên lệch, chính sách quản lý.
Năm 2045 – 2050, TP HCM được coi là những siêu đô thị cùng nhóm với các thành phố lớn khác trên thế giới như Seoul, Bắc Kinh, Tokyo, New York… nên cần tính toán quy hoạch TP HCM ra sao, tập trung vào mỗi TP phía Đông thì chưa đủ.
Kỳ vọng vào động lực tăng trưởng mới
TP HCM có ý tưởng thành lập thành phố (TP) phía Đông trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức. Mới đây, Sở Nội vụ có văn bản trình UBND TP, bổ sung việc sáp nhập 3 quận để hình thành đơn vị hành chính là TP trong TP trực thuộc Trung ương. Ý tưởng này cũng được Thủ tướng và nhiều bộ, ngành ủng hộ. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP HCM thực hiện việc sáp nhập, còn tên gọi sẽ bàn luận tiếp sau khi thành lập. Kỳ vọng gì với Thành phố phía Đông
Việc thành lập một TP phía Đông nhận được sự đồng tình của đông đảo chuyên gia, giới đầu tư. Đa số đều mong TP này trở thành động lực tăng trưởng mới, “quả đấm thép” kinh tế, như kỳ vọng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân là đóng góp khoảng 30% GDP TP HCM và 4 – 5% GDP cả nước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng TP phía Đông sẽ là đầu tàu kinh tế mới, tạo động lực cho nền kinh tế TP HCM và thị trường BĐS nói riêng.
Xét về góc độ lịch sử và địa lý, ông Châu cho biết 3 quận này đều có nguồn gốc là huyện Thủ Đức trước kia sau năm 1997 mới tách quận như hiện nay. Nếu hợp nhất, 3 quận sẽ không có sự xáo trộn với tổng dân số khoảng một triệu người, tương đương TP Đà Nẵng.
Trụ cột phát triển của TP phía Đông, theo ông Châu, bao gồm nhiều dự án lớn, mang tính định hướng như khu đô thị Thủ Thiêm quận 2, khu công nghệ cao quận 9, khu Đại học Quốc gia quận Thủ Đức… Việc thành lập TP thông minh, sáng tạo phía Đông còn giúp TP HCM thu hút được lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc, tạo địa chỉ kết nối không chỉ với TP HCM mà còn các khu vực xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương. TP HCM cũng sẽ thu hút lượng lớn cư dân là nhà khoa học, chuyên gia cố vấn nước ngoài có thu nhập cao.
Vì thế, thị trường BĐS khu Đông sẽ được hưởng lợi, trong đó có BĐS cao cấp, bao gồm nhà ở, căn hộ, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc được ưu tiên. Bên cạnh phát triển BĐS cao cấp, TP phía Đông sẽ còn phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho một triệu người dân bản địa. Ông Châu cho rằng tầng lớp có thu nhập cao chiếm tỷ lệ nhỏ trong quy mô dân số, cho nên cần phải tập trung vào phân khúc tầm trung và giá rẻ, hợp túi tiền, thậm chí phải xây thêm nhà ở xã hội để mọi người dân có thể an cư, lập nghiệp trên thành phố mới.
Nhiều vấn đề cần nhìn nhận từ TP phía Đông
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, đánh giá ý tưởng thành lập rất quan trọng. Khi thành hiện thực, TP không chỉ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Đông mà còn tác động đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ý tưởng này mới chỉ giải quyết được vấn đề của khu vực phía Đông, trong khi cả TP HCM cũng cần phải tổ chức quy hoạch lại để phát triển đô thị một cách phù hợp.
Ông Hoàng phân tích nếu như khu Nam với Phú Mỹ Hưng làm trọng tâm đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua; khu Đông được quy hoạch, đầu tư và cũng bắt đầu phát triển mạnh trong những năm gần đây, tạo nên một hình hài đô thị hiện đại thì khu vực phía Tây và phía Bắc vẫn chưa có sự phát triển theo kịp. Do đó, TP HCM cần phải có một đề án xây dựng tổng thể gắn với định hướng phát triển đồng đều giữa các khu vực.
Chuyên gia DKRA cho rằng cần có quy hoạch đồng bộ giữa các khu vực phát triển của TP. Ảnh: Quỳnh Danh.
Bên cạnh đó, chuyên gia DKRA Việt Nam còn cho rằng việc thành lập TP phía Đông cũng cần tính đến chủ trương năm 2017 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bài toán đặt ra là phải làm sao tính toán quy hoạch, phối hợp, kết nối như thế nào để sự phát triển không bị thiên lệch về một khu vực mà là sự kết nối, giảm tải dân số và phát triển đồng đều cho toàn khu vực vùng đô thị TP HCM nói trên. Từ đây, bài toán chi phí đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cả xã hội cần được giải quyết sao cho không bị chồng chéo, lãng phí…
Chuyên gia DKRA Việt Nam dẫn tính toán của nhiều tổ chức, với tốc độ phát triển hiện nay thì khoảng năm 2045 – 2050, TP HCM có khoảng 20 triệu dân và được coi là những siêu đô thị cùng nhóm với các thành phố lớn khác trên thế giới như Seoul, Bắc Kinh, Tokyo, New York… Bức tranh này cần được cân nhắc cẩn thận, cụ thể khi đó TP HCM sẽ được quy hoạch phân chia như thế nào.
Vì vậy, ông Hoàng cho rằng chỉ tập trung thành lập riêng TP phía Đông thì chưa đủ, cần có tầm nhìn quy hoạch tổng thể và chi tiết, đồng bộ hơn cho từng khu vực. Hiện nay, thị trường bất động sản TP HCM đang được chia ra làm 5 khu vực và có những diễn biến thị trường theo tính chất phát triển của từng khu vực đó.
Một số chuyên gia khác nhìn nhận việc xây dựng thành lập TP phía Đông không đơn giản chỉ là tên gọi hành chính, mà còn liên quan đến cơ cấu tổ chức hoạt động, quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông – xã hội… Thị trường bất động sản của 3 khu vực quận 2 – 9 – Thủ Đức chắc chắn sẽ chịu tác động lớn, giá nhà đất sẽ tăng, thậm chí lên cơn sốt trở lại. Do đó, các cơ quan quản lý cần xem xét vấn đề này và có những động thái để sẵn sàng đối phó, ổn định thị trường.
Nguồn doanhnhan.vn-TT