Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, ngành giao thông TPHCM dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai thực hiện 70 dự án xây cầu, đường.
Rút ngắn thủ tục đầu tư
Để thực hiện mục tiêu này, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Nguyễn Văn Toàn cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, cũng như kiến nghị thêm chính sách thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Cụ thể, năm 2019 sở sẽ triển khai thực hiện khoảng 70 dự án giao thông đường bộ, trong đó có 45 dự án nâng cấp mở rộng làm mới đường và 23 dự án xây dựng cầu.
Bên cạnh các dự án nâng cấp và mở rộng đường, sở còn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các dự án xây mới đường cao tốc liên vùng phía Nam (Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành) dài 59km, quy mô 10 làn xe, hầm chui Mai Chí Thọ và cầu vượt Lương Định Của (quận 2), nút giao 3 tầng ở giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đường song hành với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương; cầu vượt 2 chiều tại nút giao Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân)…
Song song với các dự án nâng cấp, xây mới đường giao thông, thành phố cũng sẽ nâng cấp và xây mới 23 cây cầu. Trong đó, quận 9 là khu vực có số lượng cầu xây mới nhiều nhất với 6 công trình, gồm cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới, cầu Chùm Chụp, cầu Lấp, cầu Làng, cầu Ông Bồn và cầu Vàm Xuồng. Ở quận Bình Tân có 3 công trình là cầu Bà Hom, cầu Bưng, cầu Tân Kỳ Tân Quý. Huyện Nhà Bè có 3 cầu là Rạch Dơi, Rạch Tôm, Phước Long. Quận Gò Vấp xây mới cầu Hang Ngoài. Quận 4 xây cầu Nguyễn Khoái. Quận 12 xây mới cầu Phú Long.
Mời gọi doanh nghiệp đầu tư
Sở GTVT TPHCM cho biết, trong năm 2019 này, việc kêu gọi thêm các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được sở chú trọng. Đơn cử, sở sẽ thực hiện các dự án cải tạo quốc lộ 1 và quốc lộ 22 (đoạn qua TPHCM) theo hình thức xã hội hóa. Từ năm 2015, các dự án này đã có nhiều doanh nghiệp đề xuất được đầu tư theo hình thức BOT.
Mới đây, UBND TPHCM cũng đã giao Sở GTVT nghiên cứu phương án đầu tư các công trình này theo hình thức BT. Sở đã đề nghị nhà đầu tư BOT quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 8,2km chuyển sang hình thức BT. Nhà đầu tư sẽ xem xét khả năng hiệu quả của phương án đầu tư này để báo cáo UBND TP xem xét.
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện nay để thực hiện các dự án PPP (đối tác công – tư, trong đó có BOT và BT), nếu chỉ có Sở GTVT giải quyết thì không khả thi mà cần sự chung tay của các sở, ngành liên quan như tài chính, đất đai… Vì vậy, thời gian tới, TPHCM sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ các dự án triển khai theo hình thức BT và tổ chức đấu giá quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư, song song với việc thành lập các quỹ nghiên cứu, quỹ đầu tư cho các dự án đầu tư PPP để tăng tính minh bạch, công khai, bảo đảm quyền lợi người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.
Theo các chuyên gia về giao thông, để triển khai các dự án, bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn ngân sách, việc TPHCM kêu gọi thêm nguồn vốn đầu tư trong xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề còn lại là tìm ra hình thức thích hợp, vừa đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan vừa có thể tiến hành nhanh vì TPHCM đang rất thiếu đường giao thông.
-TT
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (đơn vị đề xuất đầu tư dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1) cho biết, dự án đầu tư BOT quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.221 tỷ đồng (bao gồm 1.200 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng và 1.021 tỷ đồng vốn xây dựng), tăng gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu là 750 tỷ đồng.Theo IDICO, nếu ngân sách TPHCM chi trả tiền giải phóng mặt bằng và IDICO lo kinh phí đầu tư xây dựng thì thời gian thu phí từ năm 2020 đến 2040. Việc dự kiến của TPHCM chuyển từ hình thức BOT sang BT, Giám đốc IDICO Nguyễn Hồng Ninh cho biết, phương thức BT “đổi đất lấy hạ tầng” càng khó thực hiện, do giá đền bù giải tỏa nhà ở hai bên quốc lộ 1 rất cao nên nhà đầu tư khó có khả năng hoàn vốn. |