– Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quản lý nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng quan trọng không kém việc lựa chọn đúng nhà đầu tư cho dự án cao tốc Bắc – Nam.
Phối cảnh cao tốc Bắc – Nam (Ảnh minh họa).
Dự án Cao tốc Bắc – Nam đang trong giai đoạn “chạy nước rút” để kịp mốc khởi công vào tháng 7/2019 theo mục tiêu được Bộ GTVT đề ra. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hai vấn đề quan trọng nhất liên quan đến dự án là huy động vốn và lựa chọn nhà đầu tư vẫn đang còn nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ.
Rốt ráo cho ngày khởi công
“Siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt trong Nghị quyết 52/2017. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đến cuối tháng 10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài 654,3km, tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Dự án cao tốc Bắc – Nam có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng của cả nước.
Trong vài tháng trở lại đây, Bộ GTVT liên tục tổ chức các cuộc họp nhằm kiểm điểm, nắm bắt về tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam. Sáng 10/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án thuộc “siêu dự án” này.
Người đứng đầu Bộ GTVT đề ra mục tiêu phấn đấu trong tháng 7/2019 phải khởi công một gói thầu đầu tiên của dự án cao tốc Bắc – Nam sử dụng vốn đầu tư công là cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Còn lại 10 gói thầu của dự án sẽ khởi công hết trong năm 2019. “Trong năm nay (năm 2019 – PV), chúng ta phải khởi công toàn bộ các gói thầu cao tốc Bắc – Nam sử dụng vốn đầu tư công” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công – tư), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Đối tác công – tư và các đơn vị liên quan, trước mắt phải tập trung tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư các dự án. Mục tiêu được người đứng đầu ngành GTVT đưa ra đối với 8 dự án PPP này là hoàn thành công tác sơ tuyển nhà đầu tư trong tháng 8/2019.
Theo thông tin mới nhất, vào ngày 15/5/2019, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển của toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án PPP khoảng đầu tháng 9/2019.
Gần đây nhất, vào chiều 26/6, Bộ trưởng Bộ GTVT tiếp tục chủ trì cuộc họp về tiến độ triển khai cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Trong cuộc họp, Bộ trưởng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã bố trí được hơn 4.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 7.000 tỷ đồng đăng ký kế hoạch vốn cho các dự án cao tốc Bắc – Nam năm 2019. Toàn bộ số tiền trên đã được bố trí cho các địa phương thực hiện chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, dự án cao tốc Bắc – Nam là công trình quan trọng quốc gia nên cần phải đảm bảo tuyệt đối về tiến độ và chất lượng của dự án. “Những cơ quan liên quan, nhất là các ban quản lý dự án phải có trách nhiệm cao, bám sát kế hoạch và đảm bảo tuyệt đối tiến độ và chất lượng của công trình” – Bộ trưởng chỉ đạo.
Quản lý được nhà đầu tư mới quan trọng
Với những động thái mới nhất đến từ Bộ GTVT có thể thấy, tiến độ triển khai “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam mà trước mắt là 11 gói thầu dự kiến sẽ khởi công trong năm 2019 vẫn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, câu chuyện về việc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án PPP thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, đánh giá, những quy định mang tính chất siết chặt về vốn trong dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ khó hấp dẫn được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm, có ý nghĩa và vai trò đặc biệt của quốc gia nên việc đưa ra những tiêu chuẩn cao, chặt chẽ đối với nhà đầu tư là cần thiết để đảm bảo cho dự án thành công, tránh được rủi ro mà không ít dự án giao thông trước đó đã mắc phải. Điều mà chuyên gia kinh tế lo ngại là với những điều kiện rất chặt chẽ của dự án cao tốc Bắc – Nam, những nhà đầu tư trong nước khó có khả năng cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.
“Có ý kiến cho rằng tiêu chuẩn đưa ra là quá sức so với những nhà đầu tư trong nước. Theo tôi, với mặt bằng chung của các DN “nội” hiện nay thì kể cả trong trường hợp hạ điều kiện trong hồ sơ mời thầu thì khả năng nhà thầu nước ngoài thắng thầu vẫn cao hơn bởi họ vượt trội về năng lực tài chính và kinh nghiệm” – TS Ngô Trí Long phân tích.
“Yếu tố quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai. Không chỉ công khai thông tin mà còn phải công khai đúng và đầy đủ thông tin để hạn chế tối đa tình trạng “làm trò” khi đấu thầu dự án.” – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, TS Ngô Trí Long
Một vấn đề khác được TS Ngô Trí Long đặc biệt quan tâm là thông tin về việc DN Trung Quốc xuất hiện trong danh sách các “ứng viên” muốn tham gia đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam. Chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề đang diễn ra tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (liên tục vỡ tiến độ – PV) chính là “bài học nhãn tiền” cho công tác lựa chọn DN tham gia vào các dự án giao thông ở nước ta.
Mặc dù về mặt bản chất, tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, DN Trung Quốc tham gia với tư cách nhà thầu (tổng thầu) còn theo thông tin được phát đi tại dự án cao tốc Bắc – Nam thì DN nước bạn muốn trở thành nhà đầu tư dự án, nhưng TS Ngô Trí Long cho rằng, vẫn không thể bỏ qua mối lo ngại này.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Hữu Đức lại cho rằng, không chỉ riêng tại dự án cao tốc Bắc – Nam mà tại tất cả các dự án giao thông, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng công trình và tiến độ dự án. “Điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn, còn nhà đầu tư là DN Trung Quốc hay quốc gia nào đều không quan trọng” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.
Chuyên gia giao thông này cũng nhấn mạnh, bài học tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, vấn đề quan trọng không chỉ ở khâu lựa chọn nhà đầu tư mà còn phải đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý đối với nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
“Muốn làm được như thế, đội ngũ cán bộ và bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước của chúng ta phải có đủ năng lực để quản lý được mọi chuyện. Nếu bộ máy quản lý Nhà nước không đủ năng lực quản lý thì kể cả lựa chọn nhà đầu tư nào đi chăng nữa, DN vẫn có thể làm sai, làm bậy” – TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá.