Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Chủ nhiệm CLB Bất động sản TP HCM:
Cần cơ chế chung, tránh chồng chéo
Để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, Thủ tướng Chính phủ phải thống nhất các bộ, ngành, tạo ra một cơ chế chung, đơn vị nào liên quan thực thi, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, bởi hiện tại có nhiều quy định “đá” nhau mà chính các bộ, ngành cũng khó xử lý vì sợ ảnh hưởng hoặc có khi không đồng quan điểm giữa các bộ. Ví dụ quy định số lượng tầng cao của dự án do bộ hoặc tỉnh, TP cấp là không hợp lý bởi từng địa phương mới rõ đất đai, quy hoạch như thế nào để cấp phép dự án chứ làm sao trên bộ hiểu được?
Một dự án đang gặp vướng mắc tại quận 7, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, tôi cho rằng hiện nay, nguồn cung trên thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhất là nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo TP HCM cần quyết liệt, triển khai tháo gỡ sớm bằng cách quy hoạch cho chuyển đổi các khu vực đất nông nghiệp rộng lớn thành đất ở, quy hoạch khu dân cư lớn với tỉ lệ tiện ích tương ứng 50% còn lại là nhà, sau đó cho các doanh nghiệp (DN) đấu giá triển khai dự án sẽ không lo thiếu nguồn cung nhà giá rẻ.
Bà NGUYỄN HƯƠNG, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land:
Đơn giản hóa thủ tục hơn nữa
Cơ quan quản lý nhà nước, UBND TP HCM cần phải khoanh vùng từng dự án, khu vực có vướng mắc để có hướng xử lý. Bởi trên thực tế, những chủ đầu tư lớn nằm trong nhóm DN có năng lực đều có đủ năng lực triển khai dự án, cung ứng sản phẩm cho khách hàng. Dự án quy mô càng lớn nếu bị trì trệ càng bị ảnh hưởng bởi liên quan nhiều vấn đề từ quy hoạch, an sinh xã hội, thị trường. Nếu bị đình trệ lâu, quá trình giải quyết càng tốn thời gian, thủ tục, có khi phải làm lại từ đầu, ảnh hưởng đến cả địa phương vì có rất nhiều thứ liên quan đến tiện ích hạ tầng kết nối đồng bộ.
Ngoài ra, không nên đánh đồng các dự án với chủ đầu tư có dự án đang bị vướng sẽ ảnh hưởng lớn đến cả thị trường. Nếu để vướng mắc kéo dài, làm hiệu ứng lan tỏa xảy ra hệ lụy rất lớn, xã hội không có sản phẩm. Điển hình như tại dự án khu đô thị Vạn Phúc dù đã hoàn chỉnh hạ tầng nhưng vẫn vướng không thể triển khai thêm tiện ích cho cộng đồng như trường học, bệnh viện… Nếu trước đây, TP khuyến khích chủ đầu tư bỏ tiền ra triển khai theo kiểu xã hội hóa thì nay dù đã có nhà đầu tư nhưng nhiều vấn đề liên quan đấu giá nên đến giờ vẫn chưa xong. Trong khi mục đích cuối cùng của chủ đầu tư vẫn là làm tiện ích cho cư dân.
Chưa kể, nếu một dự án lớn như Đại Phúc Land triển khai theo quy hoạch có nhiều thay đổi, trong quá trình triển khai nếu có chỉnh sửa, nhà nước chỉ nên áp dụng các thủ tục đơn giản, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung là được. Cũng vì quy trình khó khăn mà một số DN không thể điều chỉnh quy hoạch, làm theo thiết kế cũ có khi làm giảm tính cạnh tranh, kém hấp dẫn với khách hàng…
TS LÊ BÁ TRÍ NHÂN, chuyên gia bất động sản:
Gỡ khó về thủ tục lẫn dòng tiền
Thị trường hiện nay nguồn cung giảm mạnh do các chủ đầu tư mất quá nhiều thời gian cho các quy trình, thủ tục. Để triển khai một dự án, DN phải tốn 2-3 năm. Vì vậy, việc thủ tục dừng đã tạo ra hiếm hàng. Chưa kể hiện nay, dòng tiền trên thị trường không có vì DN không có nguồn tiền do ngân hàng nhà nước siết tín dụng.
Từ đó, tôi cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản về cả dòng tiền lẫn chính sách, thủ tục hành chính, nếu không nhiều DN sẽ “chết” vì phải trả lãi ngân hàng. Thực tế, nếu dòng tiền không có, dự án sẽ không thể triển khai sớm, khách không có sản phẩm giao dịch, nhà nước thất thu thuế, DN không có tiền… 6 tháng cuối năm nếu TP cũng như trung ương không có động thái gì để tháo gỡ tình trạng như hiện nay, tôi cho rằng khủng hoảng, hay có thể nói thị trường bất động sản sẽ đóng băng trở lại.
Còn về pháp lý, thời gian qua, hiệp hội và các DN cũng đã kiến nghị nhiều nhưng một số văn bản quy phạm pháp luật đúng đến khi triển khai lại bị vênh với nghị định, thông tư. Như có trường hợp sở nói đúng, quận nói sai vì chưa thống nhất cách hiểu cũng làm cho DN gặp khó, kéo dài thời gian. Các quy định về pháp luật cũng cần sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
TS HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Tăng vai trò kiểm soát của nhà nước
Có một thực tế, người dân thường rất khó phát hiện sai phạm về mặt pháp lý của DN tại các dự án. Các dự án được quảng bá rầm rộ, người dân mua bán bình thường, đến khi chính quyền, cơ quan chức năng công khai sai phạm… thì khách hàng đã trót mua. Ngay cả một số dự án của DN lớn, có tên tuổi cũng dính trường hợp này. Trong khi đó, một dự án đình trệ, bị vướng mắc phải ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng không chỉ DN, khách hàng mà còn ngân hàng cho vay, quy hoạch địa phương, niềm tin của thị trường…
Do đó, để tránh những hệ lụy phát sinh từ các dự án bị đình trệ, cần phải xem lại vai trò kiểm soát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn các sai phạm của chủ đầu tư dự án ngay từ đầu, trước khi chưa xây dựng, triển khai. Không thể để tình trạng vô tư mua bán, xây dựng xong vô ở mới lộ sai phạm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong trường hợp này? Vai trò của cơ quan quản lý là rất lớn.
Đang phân loại các nhóm dự án
Đại diện Sở Xây dựng TP HCM thừa nhận hiện các chính sách, quy định trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật DN nhiều điểm còn hạn chế. Do đó, sở đang cùng nhiều đơn vị kiến nghị UBND TP về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản ban hành để tháo gỡ cho DN và nhà đầu tư.
Sở Xây dựng TP cũng đang phân loại những nhóm dự án để có đề xuất cụ thể tháo gỡ khó khăn hiện tại. Chẳng hạn, nhóm đã hình thành đang dở dang, nhóm vướng thủ tục, nhóm thiếu thủ tục…
Nguồn NLĐO-TT