Với các dự án cao tốc Bắc – Nam, mỗi dự án thông thường có vốn vay từ 7.000-8.000 tỷ đồng trở lên. Huy động tín dụng lớn như vậy sẽ khó khăn.
Liên quan đến việc thu hút nhà đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, khi đấu thầu quốc tế nhiều nhà đầu tư trong nước e ngại, không tham gia. Có thể khi bỏ đấu thầu quốc tế, các nhà thầu trong nước “chơi” với nhau sẽ tham gia.
Về tiến độ đấu thầu dự án, ông Đông cho biết, trong tháng 10 này sẽ phát hồ sơ mời thầu các nhà đầu tư trong nước. Tiêu chí vẫn bám theo nghị quyết của Quốc hội, tức giữ nguyên vốn chủ sở hữu 20%, không có bảo lãnh doanh thu và khoản vay…
Tuy nhiên, Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí, như giảm tiêu chí về kinh nghiệm.
“Hiện cả nước mới có 800 km đường cao tốc, nhà đầu tư tham gia chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư hạ tầng tổ chức quản lý giao thông vận tải. Do vậy phải xem xét kỹ lưỡng để đưa ra hồ sơ mời thầu”, ông Đông cho biết và nói rõ cao tốc Bắc – Nam sẽ đấu thầu “lời ăn lỗ chịu” và không có bảo lãnh. Do vậy các nhà đầu tư phải tính toán kỹ.
Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc – Nam khó khăn huy động vốn.
Đại diện Bộ GTVT cũng khẳng định, đấu thầu trong nước dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ không chia nhỏ các dự án mà thực hiện theo nghị quyết QH (11 dự án thành phần). Trong đó, 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã rõ ràng.
Cũng theo nghị quyết QH đã nói rõ, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư 8 dự án PPP qua đấu thầu thì sẽ báo cáo UB Thường vụ QH chuyển sang đầu tư công để kết nối được các tuyến với nhau.
Như vậy, về chủ trương không có chuyện Bộ GTVT chỉ định nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam.
Khó huy động tín dụng
Trước lo ngại dự báo tăng trưởng lưu lượng xe không chính xác dẫn đến doanh thu không đảm bảo khiến dự án khó huy động vốn, Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận vừa qua có một số dự án BOT dự báo không được như kỳ vọng. Việc này tại dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ được tư vấn thực hiện trên cơ sở khoa học và được thẩm định kỹ.
Ông cũng cho biết thêm, thông thường nhà đầu tư cũng có đánh giá độc lập về lưu lượng phương tiện và hiệu quả dự án rất rõ. Ngoài ra, ngân hàng cũng có đánh giá hiệu quả để cấp vốn tín dụng.
Trước lo ngại huy động tín dụng cho các dự án cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng Đông thừa nhận, huy động tín dụng sẽ rất khó khăn trong điều kiện Việt Nam hiện nay.
“QL1 trước đây các gói vay chỉ 3.000 tỷ đồng hoặc chỉ vài trăm tới ngàn tỷ đồng. Với các dự án cao tốc Bắc – Nam thì dự án thông thường vốn vay tương đối lớn, từ 7.000-8000 tỷ đồng trở lên. Huy động tín dụng lớn như vậy sẽ khó khăn
“Khó khăn về tín dụng không phải giờ mới nói ra, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về con số có thể huy động, để các ngân hàng nghiên cứu và kiến nghị giải pháp”, ông Đông nói.
Nguồn tintuc.vn-TT