Bà chủ 8X xin làm khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ ở Hoà Bình, Dự án của địa ốc Alibaba vi phạm tất cả các luật,… là những tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Hoà Bình xin làm khu du lịch tâm linh hơn 3.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho chuyển đổi khoảng gần 48ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.
Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy do Công ty TNHH MTV Pacific – Hòa Bình đề xuất đầu tư với quy mô sử dụng đất sau điều chỉnh khoảng 121ha, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng gần 48ha.
Quy mô vốn đầu tư dự án khoảng 3.038 tỉ đồng, trong đó khoảng 455 tỉ đồng vốn tự có của Công ty TNHH MTV Pacific – Hòa Bình, phần còn lại khoảng 2.500 tỉ đồng sẽ được huy động và vay từ các nguồn hợp pháp.
Đề nghị này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan xem xét.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định dự án khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ đồng tỉnh Hoà Bình đề xuất chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét.
Được biết, Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Pacific – Hòa Bình làm chủ đầu tư. Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Pacific – Hòa Bình là bà Phan Thanh Hà (sinh năm 1986, thường trú tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Dự án của địa ốc Alibaba vi phạm tất cả các luật
Tập đoàn địa ốc Alibaba kinh doanh bất động sản theo hình thức đa cấp, mua đất nông nghiệp rồi tự vẽ ra các dự án “ma” nhằm lừa đảo khách hàng trong suốt 3 năm qua (Ảnh: Phương Anh).
Liên quan đến việc Công ty địa ốc Alibaba lập 40 dự án “ma”, lừa đảo 6.700 khách hàng với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng Bộ Xây dựng đã nhận được câu hỏi về trách nhiệm của ngành khi để xảy ra vụ việc này.
Bàn về vấn đề trách nhiệm, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, đối với Bộ Xây dựng trách nhiệm về quản lý thị trường bất động sản được quy định tại điều 17 Luật Kinh doanh Bất động sản. Còn với UBND các địa phương được quy định tại điều 78 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
Nhận định về các dự án của Alibaba, vị Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng: dự án của Alibaba vi phạm ở tất cả các luật bởi vì là dự án ma không tuân thủ pháp luật nên phải xử lý theo quy định.
‘Cắt ngọn’ công trình trên đất biệt thự cổ ở trung tâm Hà Nội
Sáng ngày 2/10, chủ đầu tư công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép.
“Phía trước chủ đầu tư làm đúng theo giấy phép tuy nhiên công trình phía sau từ trục 4 đến trục 6 chủ đầu tư vi phạm về chiều cao công trình. Đến hôm nay chủ đầu tư đã thực hiện phá dỡ phần vi phạm trên tầng 6”, ông Nguyễn Doãn Long – Tổ trưởng tổ Quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD) phường Trần Hưng Đạo cho biết.
Cũng theo ông Long, sau khi phát hiện công trình sai phép, phường đã lập biên bản vi phạm. UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định về việc “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” đối với hành vi vi phạm TTXD tại công trình. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần vi phạm.
Chưa có kết luận điều tra bà Kim Anh ‘vòi tiền’ hay ‘nhận hối lộ’
Trả lời câu hỏi về kết luận điều tra liên quan đến vụ việc cán bộ của thanh tra Bộ bị bắt tại Vĩnh Phúc, ông Lê Văn Lãng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này cơ quan công an chưa đưa ra chính thức về tội danh liên quan đến hành vi của bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng.
Theo ông Lãng, “Có nhiều thông tin trước đây nêu ra do các cơ quan thông tấn báo chí nêu ra như vậy còn công an Vĩnh Phúc chưa nói chính thức tội danh là “vòi tiền” hay “nhận hối lộ”.
Công an Hà Nội vào cuộc vụ người chết 2 năm vẫn ký xác nhận đất
Như VietNamNet đã thông tin, đại diện 12 hộ gia đình đang cư trú tại Tổ 18 (cụm dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đã “tố” những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành.
UBND quận Đống Đa khẳng định việc lập, xét duyệt hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà đối với trường hợp xét cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành với diện tích đất 112,6m2 không đảm bảo tính pháp lý.
Theo người dân, nguồn gốc đất mà gia đình ông Lê Hữu Tiến, bà Nguyễn Thị Nhạc (bố mẹ đẻ của ông Lê Hữu Hùng và các đồng sở hữu hiện nay) tại số 27A Đê La Thành chỉ có diện tích là 86m2 đất, kê khai đóng thuế ổn định từ năm 1962 cho đến thời điểm được cấp sổ đỏ năm 2006.
Nhưng đến năm 2006, trong sổ đỏ cấp cho thửa đất số 27A Đê La Thành lại có tổng diện tích đất là 112,6 m2, gồm phần đất tăng thêm so với diện tích kê khai ban đầu là 26,6m2 thuộc đất lưu không liền kề. Đây cũng là hệ thống cống thoát nước thải và nước mưa của khu dân cư có từ hàng chục năm trước.
Hiện Công an TP Hà Nội đã thụ lý đơn của đại diện các hộ dân và giao cho các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu giải quyết trả lời công dân.
Nguồn VNN-TT