– Trong 9 tháng vừa qua, thị trường bất động sản vận động rất tích cực. Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc như Sumitomo đang đón đầu lợi thế Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Ảnh minh họa.
Thị trường tích cực
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội – JLL Việt Nam tại Diễn đàn “Xu thế dòng tiền bất động sản 2020”.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, trong 9 tháng đầu các chỉ số vĩ mô khá lạc quan, GDP đã đạt 6,98% cao hơn mục tiêu, là một năm thuận lợi của nền kinh tế Việt Nam. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đón nhận gần 13 triệu lượt khách, tăng trưởng 11%, những yếu tố này cho thấy Kinh tế Việt Nam đang có tín hiệu tích cực.
Về thu hút FDI điểm nổi bật là bất động sản khu công nghiệp – 69% nguồn vốn FDI vào thị trường Việt Nam đang được đưa vào khu vực sản xuất. Bất động sản là nhóm ngành thứ 2 thu hút vốn FDI với sự thay đổi mạnh mẽ về quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Nếu trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam lớn nhất thì năm nay nguồn vốn FDI lớn nhất lại đến từ Hồng Kông.
Xét riêng tại Hà Nội, căn hộ là thị trường chính đang được mọi người quan tâm. Trong năm 2019, đây là thị trường rất nhộn nhịp. Các dự án chung cư tại Hà Nội từ năm 2010 mọc lên với mật độ dày đặc cả từ trung tâm đến rìa trung tâm (cách 40 -50 phút đi vào trung tâm).
Tính đến 9 tháng đã có 270.000 căn hộ được chào bán trên thị trường. Giá bán tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường đón nhận 11.000 căn hộ riêng quý 4/2019 cho thấy thị trường đang rất nhộn nhịp không chỉ thu hút nhà đầu tư lẫn người mua.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, dự báo, xu hướng nhà đầu tư sẽ mở rộng ra các dự án ngoại ô. Người mua không chỉ mua để đầu tư mà còn mua để ở – nhu cầu thật. Giá thuê căn hộ vẫn đang tăng trưởng; giá bán sắp tới sẽ ổn định nhờ tâm lý lạc quan và triển vọng của thị trường.
Ở thị trường bán lẻ, các trung tâm thương mại phân bổ khắp các quận. Tổng nguồn cung 1,1 triệu m2, sắp có thêm nguồn cung 92.000m2 đưa vào. Giá thuê tương đối ổn định, giá thuê ở quanh quận Hoàn Kiếm có thể lên đến 84,8 USD/m2/tháng; vùng ven là 28,2 USD/m2/tháng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy lên tới hơn 90%.
Sự quan tâm thị trường Việt Nam không chỉ dành cho các tập đoàn bán lẻ quốc tế nhỏ mà còn có các tập đoàn lớn, trong đó, thị trường Tp.HCM và Hà Nội đang rất được quan tâm.
“Dịch vụ bán lẻ mong muốn đặt chân vào thị trường hơn 90 triệu dân, và dân số trẻ. Sự gia tăng của công nghệ giúp người mua có thêm trải nghiệm. Ngoài ra, thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc, việc mua sắm đã tiện lợi hơn rất nhiều. Đây là những tín hiệu mới với thị trường bán lẻ, thời gian tới thị trường này rất tiềm năng”, bà Vân nói.
Ở thị trường bất động sản khu công nghiệp, đây là mảng nóng, được nhắc nhiều trong thời gian qua. Ở góc độ đầu tư cá nhân có thể không quan tâm đến mảng này, nhưng các doanh nghiệp lại rất quan tâm.
Bất động sản công nghiệp ở miền Bắc còn non trẻ, các chủ dự án cắt đất bán đất cho các nhà máy. Đó là xu thế chính diễn ra trong 2010 – 2015 ở phía Bắc.
Với sự quan tâm mạnh mẽ của các công ty muốn cắt giảm chi phí, và dịch chuyển nhà máy về Đông Nam Á…, giá đất cho bất động sản công nghiệp Việt Nam còn rẻ. Dự báo bất động sản khu công nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Bất động sản là cơ hội lớn và dài hạn nhưng còn lại ít ỏi
Theo chia sẻ của ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, “tại một bài báo nước ngoài tôi đọc được, họ có nói Việt Nam đang gặp may do Việt Nam đưa ra khẩu hiệu về công nghiệp hoá từ năm 1993 nhưng chưa thực hiện được nhưng cũng chưa bị đổ bể như các nước cộng sản khác. Hiện nay 81 nước trên thế giới bỏ qua giai đoạn công nghiệp hoá và đi vào dịch vụ”, ông Nghĩa nói.
Trong 20 năm, tỷ trọng tín dụng cho công nghiệp liên tục giảm, còn khu vực dịch vụ tăng nhanh. Dịch vụ đang là hướng đi chủ chốt về chiến lược của kinh tế Việt Nam.
Một nghiên cứu khác cho thấy nếu tính độ mở của nền kinh tế, so với Mỹ là 14%, Trung Quốc 19%, Đức 43%, Việt Nam cao nhất thế gới 78%. Do đó không có ngành hàng công nghiệp nào có thể cạnh tranh được với các đối thủ từ bên ngoài. Từ rừng đến biển, hàng công nghiệp chủ yếu từ Trung Quốc và nước ngoài. “Mảnh vải” duy nhất còn lại là bất động sản và một phần viễn thông, hàng không.
Vị chuyên gia này cho rằng, năm 2020, đánh giá các tác động tới thị trường bất động sản là tích cực do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể phục hồi. Mấy năm gần dây, thương mại toàn cầu giảm mạnh, năm tới phục hồi sẽ kéo theo dòng tiền đầu tư. “Đầu tư của Chính phủ, đầu tư PPP, FDI vào bất động sản cũng có xu hướng tăng. Chính phủ chuẩn bị khởi công một số hạ tầng lớn, ảnh hưởng tới thị trường bất động sản”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Ngoài ra, đầu tư của tư nhân cũng có tác động mạnh tới thị trường. Đầu tư của dòng đô thị hoá đang rất mạnh. Dòng này còn phụ thuộc vào dòng đầu tư nói chung, tạo ra một trào lưu về đô thị hoá mới, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến kéo dài tới 10 năm.
Về thị trường tài chính tiền tệ, 3 năm nay thị trường ngân hàng khá ổn định, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng gấp đôi, đạt mức quân bình của Đông Nam Á, tỷ lệ lãi ròng trên vốn tăng cao. Thị trường ổn định tác động tích cực cho thị trường bất động sản, không phải lo có ảnh hưởng tiêu cực từ hệ thống ngân hàng .
“Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thắt chặt, nhưng mức độ thắt chặt vẫn còn khá lỏng. Chúng tôi đã khuyến cáo về việc kiểm soát thị trường tài chính với thị trường bất động sản phải thận trọng, không được làm đóng băng, phải phát triển ổn định, dài hạn. Ta đã thực hiện nhiều phép thử và chưa thấy có đóng băng nhưng chắc chắn sẽ có vài biến chuyển có tính chất liên quan tới trục trặc gần đây như condotel, và có thể sẽ có một số điều chỉnh khác. Về tổng thể, cầu có thể tăng, giá có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đến cuối năm 2020, thị trường có thể trở lại “bình thường””, ông Nghĩa nói.
Nguồn VnMedia-TT