Theo Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh, từ 10-2015 đến hết năm 2018, tại thành phố có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng; 158 dự án BĐS có nguồn gốc đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, trong đó có cả những dự án thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Đến tháng 3-2019, UBND thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được tiếp tục triển khai trở lại, nhưng thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa thể triển khai.
Thực trạng trên dẫn đến kết quả là năm ngoái, cả thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được chấp thuận chủ trương đầu tư; 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư và cũng chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư.
Hiệp hội BĐS cho rằng, thiếu dự án dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp nhà ở là nút thắt lớn của thị trường BĐS thành phố trong 2 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện của nhiều DN BĐS lớn đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc mà DN đã và đang tiếp tục gặp phải với lãnh đạo thành phố.
Đất dự án bỏ hoang cho cỏ mọc do chờ thủ tục.
Chia sẻ trước khó khăn của các DN kinh doanh BĐS, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Cùng lúc, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý. Điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan có trách nhiệm của thành phố khi không đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ. Lãnh đạo thành phố đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố cần phải đặt mình vào vị trí của DN để thấy được sự khó khăn của DN, mới thấy DN bức xúc như thế nào khi phải chờ đợi trong thời gian dài. Các sở, ngành tập trung giải quyết cụ thể những phản ánh, vướng mắc của DN; hướng dẫn DN các biện pháp tháo gỡ khó khăn để DN sớm triển khai dự án.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương hoặc cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị các sở, ngành có văn bản kiến nghị với bộ, ngành Trung ương và tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn cho DN.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, trong dự thảo về phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn, UBND cũng đưa ra một số biện pháp về 2 vấn đề chính là chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án nhà ở và vấn đề cấp phép xây dựng.
Do đó, thành phố hy vọng sẽ sớm gỡ “nút thắt” trên, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án, sớm đưa thị trường BĐS hồi phục.
 Nguồn CAND-TT