Nhà ở, đất nền và bất động sản công nghiệp là ba kênh tài sản vẫn duy trì được sức hút suốt 2 đợt Covid-19.
Theo các chuyên gia tài chính – bất động sản, đại dịch đã và đang làm thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư trên thị trường địa ốc. Nếu các tiêu chí trước đây ưu tiên lợi nhuận thì hiện nay người nắm dòng vốn quay về chuỗi giá trị cốt lõi, giữ tiền an toàn trước, sau đó mới tính đến biên lợi nhuận.
Điểm khác biệt lớn nhất của thị trường đầu tư tài sản là bên mua hướng đến mục đích khai thác, sử dụng trước tiên, còn nhu cầu đầu tư tích lũy được dịch chuyển từ ngắn và trung hạn sang dài hạn, có thể kéo dài 5-7 năm, thậm chí cả thập niên.
Bất chấp dịch bệnh tác động đến nhiều mắt xích của thị trường địa ốc, đẩy các nhóm tài sản du lịch, nghỉ dưỡng, khai thác dịch vụ thương mại… vào vùng nguy hiểm, sức mua lao dốc, các chuyên gia cho rằng ít nhất 3 loại tài sản vẫn hút đầu tư xuyên mùa dịch.
Thị trường nhà ở quận 2, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Nhà ở đáp ứng nhu cầu thật
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, dù có xảy ra dịch bệnh hay không, nhu cầu an cư tại các thành phố lớn vẫn luôn được ưu tiên. Đây là một trong những nhu cầu quan trọng trong chuỗi nhu cầu lớn của con người: ăn – mặc – ở. Tuy nhiên, do Covid-19 có sự tác động đến thu nhập và ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhu cầu an cư có thể thay đổi sang hình thức ăn chắc mặc bền hơn là xa xỉ. Do đó, căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền luôn thu hút người mua để ở lẫn nhà đầu tư xuyên suốt mùa dịch.
Theo bà Khanh, đối với người mua nhà trong thời gian này có nhiều sự lựa chọn từ thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp để tìm được sản phẩm phù hợp vì những đối tượng sử dụng đòn bẩy tài chính đang xả hàng khá nhiều với giá gốc. Vùng giá được ưu tiên là nhà ở trên dưới 2 tỷ đồng một căn.
Chuyên gia này dự báo, nhà ở thuộc phân khúc bình dân hoặc trung cấp tọa lạc tại các địa bàn kết nối giao thông tốt về trung tâm như khu Đông hoặc khu Nam TP HCM sẽ tiếp tục thu hút người mua có nhu cầu ở thật lẫn đầu tư từ nay đến cuối năm 2020 thậm chí là trong nhiều năm sắp tới.
Đất nền pháp lý hoàn chỉnh
Tại hội thảo về đầu tư diễn ra gần đây, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Đinh Thế Hiển cho biết, đất nền sổ đỏ vẫn nằm trong nhóm tài sản được người Việt ưu tiên chọn làm kênh trú ẩn an toàn xuyên mùa dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, đất nền không còn là mục tiêu lướt sóng mà trở thành mục tiêu đầu tư dài hạn của người có thu nhập ổn định và nắm trong tay dòng vốn tích lũy đáng kể.
Ông Hiển phân tích, mua đất nền hoặc đất còn trống, sổ đỏ, khí hậu tốt, đầu nguồn nước. Ngoài ra, để an toàn hơn nữa chỉ nên mua đất thổ cư hoặc có thể chuyển mục đích sử dụng lên thổ cư, có nguồn gốc sử dụng lâu dài từ người dân, là bài toán được nhiều nhà đầu tư nhắm đến trong suốt hai đợt dịch. Kênh đầu tư này vẫn hút vốn và được săn lùng nếu giá hợp lý và pháp lý hoàn chỉnh, song với tình hình hiện nay chỉ phù hợp với dòng vốn dài 5-10 năm trở lên.
Theo quan sát của ông Hiển, tính đến đợt Covid-19 lần hai, nhiều nhà đầu tư đã áp dụng bài toán đất nền theo hướng chỉ mua nếu sống ở khu vực đó, hoặc chỉ mua khi bán kính di chuyển không quá xa từ tài sản này đến các trung tâm tài chính và đầu mối giao thương, lõi phát triển đô thị vệ tinh.
Bất động sản công nghiệp
Theo nhiều báo cáo của Savills Việt Nam về tiềm năng của bất động sản công nghiệp, các loại tài sản nhà xưởng, kho bãi, hậu cần, logistic đang nằm trong nhóm các kênh đầu tư có sức đề kháng cao đối với đại dịch. Nguyên nhân nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng cao và hấp dẫn giới đầu tư trong mùa dịch là do sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, các biến động địa chính trị và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam ký các hiệp định thương mại với cộng đồng quốc tế. Nhóm tài sản này thường thu hút các nhà đầu tư tổ chức hơn là nhà đầu tư cá nhân.
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, với nguồn cầu lớn tiếp tục vượt quá nguồn cung, có thể thấy rõ việc tăng số lượng nguồn cung tại các khu vực công nghiệp trọng điểm trở nên bức thiết. Mặt khác, công suất thuê các vùng trọng điểm tại phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, và phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng đã gia tăng đáng kể từ năm 2018 đến nay.
Hầu hết giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và những cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái. Trong khi đó, nhiều hợp đồng thuê được thực hiện bởi các công ty đã có mặt tại Việt Nam và đang tìm cách mở rộng sản xuất.
Ông John Campbell đánh giá, các chính sách hạn chế đi lại giữa các nước đã ảnh hưởng đến nhu cầu gia nhập thị trường, làm hoãn lại các đợt khảo sát mặt bằng của các nhà đầu tư quốc tế lớn, khiến số lượng hợp đồng thuê được ký kết với các nhà phát triển trong nước bị hạn chế. Thế nhưng rào cản ngắn hạn này không làm hạ nhiệt nhu cầu đang ngày càng tăng cao ở nhóm bất động sản nhà xưởng, kho bãi, hậu cần, logistic…
Chuyên gia này nhận xét, ngành công nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt đỉnh chu kỳ tăng trưởng khi đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và nhiều chủ khu công nghiệp đang chuẩn bị nguồn lực để đón những cơ hội sắp tới ngay khi các rào cản được dỡ bỏ.
Nguồn VnExpress-TT