UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư với Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy có nội dung “kinh doanh bất động sản” đối với đất có mục đích bảo vệ an ninh quốc phòng…
Mật độ xây dựng, tầng cao công trình không phù hợ
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành Kết luận thanh tra UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Trong đó, về đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy do Công ty TNHH MTV Pacific – Hoà Bình làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, cơ quan thẩm định là Sở Xây dựng có mật độ xây dựng, tầng cao công trình trong các ô đất theo đồ án quy hoạch không phù hợp với nội dung quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
Năm 2016 UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy có nội dung “kinh doanh bất động sản” đối với đất có mục đích bảo vệ an ninh quốc phòng (Ảnh chụp Google map khu vực huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình/ Google map)
“Trách nhiệm thuộc Công ty TNHH MTV Pacific – Hoà Bình, Sở Xây dựng và UBND tỉnh” – kết luận thanh tra nêu.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, năm 2016 UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 73 và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy có nội dung “kinh doanh bất động sản” đối với đất có mục đích bảo vệ an ninh quốc phòng.
“Như vậy, việc ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 73 và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016 của UBND tỉnh Hòa Bình là vi phạm khoản 4 điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Trách nhiệm thuộc cơ quan tham mưu là Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh” – Thanh tra Bộ chỉ rõ.
Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đảm bảo đúng quy định về quốc phòng, an ninh.
Theo đồ án, Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy có diện tích 120ha, công suất phục vụ khách du lịch khoảng 5.000 khách/ngày,đêm. Là khu sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn cao phục vụ khách tham quan du lịch; xây dựng không gian trưng bày, quảng bá văn hóa, truyền thống lịch sử và các nét đặc trưng của dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói riêng…
Liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy, trước đó, Bộ Quốc Phòng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình trả lời về việc xin ý kiến địa điểm, ranh giới và nội dung đầu tư xây dựng dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy.
Theo đó, Bộ Quốc phòng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hoà Bình về địa điểm quy hoạch và sử dụng khu đất có diện tích khoảng 121,59ha tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư không được liên doanh, liên kết với nước ngoài (cả Việt Kiều); không được sử dụng lao động là nước ngoài để thực hiện dự án. Nếu thay đổi chủ đầu tư phải có ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, thực hiện nghiêm các quy định trong triển khai dự án.
Ngoài ra Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới của dự án tại thực địa và giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến quốc phòng trong khu vực để không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.
Bộ Quốc phòng trả lời về việc thanh, kiểm tra sử dụng đất quốc phòng
Liên quan đến vấn đề về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, Bộ Quốc phòng mới đây có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về việc đề nghị tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).
Bộ Quốc phòng cho biết nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt và chấp hành nghiêm quy định của Luật Đất đai và các quy định khác liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Thông tin đến cử tri, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân hoàn thành công tác kiểm kê, lập sơ đồ hiện trạng sử dụng đất quốc phòng báo cáo Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Về giải quyết đất quốc phòng bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai Chỉ thị số 90/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và phương án tổng thể giải quyết đất quốc phòng bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng.
Bộ Quốc phòng đã tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, không để phát sinh tranh chấp mới, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng do lịch sử để lại.
Về công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về đất quốc phòng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2020 và tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã tiến hành 4 cuộc thanh tra, 1 cuộc kiểm tra có nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Trong số này, ba cuộc thanh tra có nội dung thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đối với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân đoàn 4, Quân khu 1; một cuộc thanh tra chuyên sâu về các nguồn thu, chi từ cho thuê đất, tài sản trên đất quốc phòng đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; và một cuộc kiểm tra chuyên sâu công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đối với Bộ Tư lệnh TP.HCM.
NGuồn VNN-TT