Phân khúc nhà ở xã hội đang “chìm” dần trong cơn bão tăng giá nhà chung cư tại các đô thị hiện nay với nguyên nhân phần lớn đến từ chính sách.
Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy, dù nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, nhất là tại TP HCM và Hà Nội ngày càng eo hẹp. Thậm chí, một số dự án nhà ở xã hội đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua thì mức giá cũng đã leo lên đến gần 20 triệu đồng/m2, tức bằng giá nhà chung cư bình dân khoảng 3-4 năm trước đây.
Chính việc khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu quá lớn đã làm nảy sinh tình trạng muốn mua nhà ở xã hội phải “đi đêm” như Diễn đàn doanh nghiệp từng thông tin. Vấn nạn này đã phần nào làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của chiến lược phát triển nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước.
Về nguyên nhân tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội, theo nhận định của các chuyên gia là đến từ nhiều phía, trong đó chủ yếu nhất là xuất phát từ những rối rắm về thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi, lợi nhuận thấp khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, PCT Hội môi giới bất động sản Việt Nam thì thực tế tại TP HCM và Hà Nội cho thấy phân khúc nhà ở thương mại bình dân (tức có giá bán khoảng dưới 2 tỷ đồng hoặc từ 20-25 triệu đồng/m2 -PV) gần như không có nguồn cung dự án mới trong khoảng hai năm gần đây.
Trong khi đó, nhà ở xã hội phân khúc được khuyến khích phát triển với ưu đãi về tín dụng, tiền sử dụng đất và có nhu cầu cao lại đang gặp khó với nhiều vấn đề đến từ những chính sách, thủ tục trong quá trình đầu tư.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc số lượng dự án vốn đã ít thì chất lượng của các dự án nhà ở xã hội cũng đang làm nản lòng người mua nhà có nhu cầu.
Nhà ở xã hội CT1 –A1&A2 khu đô thị Tây Nam Linh Đàm dột nát, xuống cấp ngay khi mới bàn giao (năm 2018)
Gần đây, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết đến nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2, hiện đang triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ. Kết quả này chỉ đạt 42% so với kế hoạch đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Chỉ tính riêng tại TP HCM, theo số liệu từ Sở Xây dựng thì trong giai đoạn từ 2016 – 2020, trên địa bàn chỉ có 23 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng cung ứng hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường (tương ứng khoảng 17.900 căn hộ). Trong khi đó, cũng theo sở này, nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn này là trên 80.000 căn hộ.
Nhận định về tính cần thiết của việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng dù có thể lợi nhuận thấp, nhưng đây là phân khúc có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.
Xuất phát từ thực trạng ì ạch trong phát triển nguồn cung nhà ở xã hội, mới đây trong một văn bản gửi TP HCM và các cơ quan chức năng, HOREA đã có nội dung kêu gọi các tập đoàn và doanh nghiệp cần xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Châu, tinh thần là “không ép doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ” mà phải kêu gọi doanh nghiệp tham gia dựa trên việc tạo thuận lợi thông qua cơ chế, chính sách, ưu đãi cụ thể về tín dụng, tiền sử dụng đất,…
Đối với vấn đề này, mới đây, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ bố trí khoảng 4.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người dân vay, mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các địa phương đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất và thực hiện một số chính sách ưu đãi riêng của địa phương để phát triển nhà ở xã hội.