Sở Nội vụ TP.HCM mới có tờ trình về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận. Ngay lập tức, giới đầu cơ và môi giới đã thổi bùng lên thành “cơn sốt đất” cho dù thông tin chỉ mới đề xuất, tờ trình…
Thông tin uy hoạch sân bay Technique Hớn Quản đã thu hút hàng ngàn nhà đầu tư, tạo điều kiện cho cò “thổi” giá đất tăng gấp nhiều lần.
Lợi dụng thông tin quy hoạch một số địa phương quận lên thành phố, quy hoạch sân bay khu vực phía nam như sân bay Long Thành, Phan Thiết, Technique Hớn Quản… “cò” đã “thổi” giá đất tăng cao ngất ngưởng…
“THỔI” GIÁ THEO QUY HOẠCH
Dọc các tuyến đường liên xã An Khương và Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), hàng nghìn biển chào mời mua bán đất sau khi có thông tin xây dựng sân bay. Dự án mang tên sân bay Technique Hớn Quản đã nhanh chóng thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi ùn ùn kéo về khu vực lân cận tại địa phương để đầu cơ, lướt sóng và thổi giá đất tăng gấp nhiều lần.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, cùng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng ở Hớn Quản diện tích 400 – 500 ha. Lãnh đạo Tỉnh đã đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng và được Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan xem xét dự án này.
Tương tự tại Phan Thiết, thông tin đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết cũng đã được cò tận dụng “thổi” giá đất khu vực này tăng cao cách đây nhiều năm. Sau đó là thông tin quy hoạch sân bay Phan Thiết được rò rỉ cách đây 2-3 năm. Dù lúc bấy giờ chỉ dự án chỉ mới khảo sát, tiền khả thi chưa có quy hoạch chi tiết tổng thể nhưng rất nhiều môi giới, đầu cơ trong và ngoài tỉnh lợi dụng thông tin này để thổi giá đất lên gấp nhiều lần, thậm chí cả vài chục lần.
Một số địa phương thời điểm 2018 đã từng xảy ra cơn “địa chấn” sốt đất với mức tăng “phi mã” từ 200 – 300% khi vừa có thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giao dịch “đóng băng” do nhiều dự án bị chậm tiến độ.
Đất ở khu vực sân bay ở Long Thành (Đồng Nai) cũng là ví dụ điển hình khi dân tình ồ ạt mua theo quy hoạch với giá đắt gấp nhiều lần.
Không những thế, “cò” còn ăn theo quy hoạch từ quận/huyện lên thành phố để “thổi” giá bất động sản. Lấy ví dụ về Thành phố Thủ Đức, hiện tại giá nhà đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp (Quận 9 cũ) dao động 150 – 200 triệu/m2 tùy vị trí, trước khi lên Tp.Thủ Đức chỉ tầm 60 -80 triệu /m2. Hay như đường Võ Văn Ngân, nằm giữa trung tâm Thành phố Thủ Đức đang giao dịch 1 căn nhà phố diện tích chỉ 95m2 với mức giá cao ngất ngưởng 25 tỷ đồng (tương đương 270 triệu/m2)…
Trước đó, vào thời điểm năm 2018 – 2019, tại nhiều địa điểm thuộc Cần Giờ như Bình Khánh, Cần Thạch và Long Hòa đã từng xảy ra cơn “địa chấn” sốt đất với mức tăng “phi mã” từ 200 – 300% khi vừa có thông tin quy hoạch 1/500 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cùng nhiều hạng mục, dự án khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giao dịch “đóng băng” do nhiều dự án bị chậm tiến độ.
Hiện tại, một số thông tin mới bắt đầu hâm nóng lại thị trường Cần Giờ khiến địa phương này đang bắt đầu tiềm ẩn những đợt sóng mới. Cụ thể, gần đây Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đã đề xuất xây dựng bổ sung sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ vào Đồ án quy hoạch mạng lưới sân bay vùng TP.HCM. Trước đó, Cần Giờ đã được quy hoạch là 1 trong 4 khu đô thị mới của thành phố, tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, kinh tế, xã hội.
Sở Nội vụ TP.HCM cũng có tờ trình gửi Uỷ ban Nhân dân Thành phố về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025 chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM)… Ngay lập tức, giới đầu cơ và môi giới đã thổi bùng lên thành “cơn sốt đất” cho dù thông tin chỉ mới đề xuất, tờ trình cho một đề án quy hoạch.
NGƯỜI MUA CẦN TỈNH TÁO
Khi giá đất bị “thổi” cao, người mua phải gánh chịu hậu quả khi nhắm mắt chạy theo quy hoạch. Đơn cử các dự án ở Hớn Quản, Cần Giờ, Long Thành… nhiều năm liền “đóng băng” ở mức giá cao, không có giao dịch mua bán.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chia sẻ: “Trục lợi trong những cơn sốt ảo này chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất, một số công ty bất động sản. Người thiệt hại là nông dân bán đất giá rẻ, là các nhà đầu tư thứ cấp ôm đất với giá cao, tán gia bại sản vì vay mượn ngân hàng, trục lợi xảy ra tranh chấp khiếu kiện kéo dài”.
Ông Châu cũng kiến nghị cơ quan chức năng và các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống; quy hoạch phải nói rõ mục tiêu thực hiện trong bao nhiêu năm, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, để người dân nắm rõ, tránh “sập bẫy” đầu nậu. Với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cần xử lý nghiêm và có thông tin chính thức nhanh chóng đến người dân để dẹp tan sốt ảo.
Đồng tình, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, cũng cho rằng nạn “thổi” giá là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền. Bởi sau những cơn “sốt” đất gần đây tại các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận… thì rủi ro và hệ lụy tiêu cực tiềm ẩn để lại rất lớn.
Trục lợi trong những cơn sốt ảo này chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất, một số công ty bất động sản. Người thiệt hại là nông dân bán đất giá rẻ, là các nhà đầu tư thứ cấp ôm đất với giá cao, tán gia bại sản vì vay mượn ngân hàng.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cũng gửi văn bản lưu ý Công an, Phòng Tài nguyên – Môi trường và Uỷ ban Nhân dân xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng “cò đất” tập trung bất thường khu vực sân bay Phan Thiết. Đặc biệt, quản lý chặt, ngăn chặn ngay tình trạng lấn chiếm đất đai của nhà nước khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết nhằm sang nhượng, mua bán bất hợp pháp, tình trạng lừa đảo trong mua bán đất đai.
Tương tự, Uỷ ban Nhân dân một số tỉnh thành khác cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp xây dựng trái quy định, sử dụng đất sai mục đích, các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai tại địa phương…, nhưng không thể nào ngăn chặn hết nạn cò “thổi” giá, lừa khách hàng.
Mặt khác, nhằm hạn chế tình trạng sốt đất, nạn cò “thổi” giá phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ. Chính sách quản lý cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường, có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai minh bạch.
Hơn ai hết, chính người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức, nâng cao về nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn “sốt” đất ảo, để rồi “sập bẫy” đầu cơ.
Nguồn VnEconomy.vn-TT