VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Khẩu vị của “thợ săn” địa ốc

    Với các doanh nghiệp bất động sản, mua bán – sáp nhập (M&A) để tạo lập quỹ đất là chiến lược vô cùng quan trọng, song mỗi doanh nghiệp có một khẩu vị, cách làm riêng.

 M&A là công cụ đắc lực giúp Novaland phát triển quỹ đất	 ảnh: lê toàn    Ảnh minh họa.

“Ôm” nhiều dự án lớn
Tạo lập quỹ đất được xem là chiến lược sống còn với nhiều doanh nghiệp địa ốc và mỗi doanh nghiệp có chiến thuật tạo quỹ đất khác nhau. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn coi các dự án BT là kênh tạo lập quỹ đất chủ lực, thì Tập đoàn Novaland lại xem M&A là công cụ đắc lực và triển khai đầu tư dự án có quy mô hàng trăm héc-ta với tham vọng tạo ra các đại đô thị có quy hoạch hiện đại và nâng chất lượng sống mới.
Nói đến chiến lược gia tăng quỹ đất của Tập đoàn Novaland, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn nhấn mạnh, M&A là công cụ đắc lực và được sử dụng một cách hiệu quả trong quá trình phát triển của Tập đoàn. Trong năm 2021, Novaland vẫn tiếp tục tăng cường M&A các quỹ đất lớn, đặc biệt là những khu vực vệ tinh phía Nam có bán kính cách TP.HCM 200 km trở lại, bởi đây là khu vực có nhiều triển vọng phát triển.
Hiện Novaland nắm trong tay quỹ đất hơn 5.000 ha, trong đó TP.HCM có gần 700 ha, quỹ đất còn lại ở các khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. “Đây chính là những khu vực phù hợp để Tập đoàn thực hiện chiến lược phát triển chuỗi giá trị hệ sinh thái bất động sản sắp tới”, ông Huy nhấn mạnh.
Nhìn lại quá trình phát triển của Novaland, M&A quả thực đã giúp “ông lớn” bất động sản này không ngừng gia tăng quy mô quỹ đất. Hầu hết các thương vụ M&A mục tiêu của Novaland được thực hiện bởi các cá nhân, pháp nhân thuộc “họ Novaland”, sau đó được Tập đoàn mua lại tùy vào mục đích cụ thể ở từng giai đoạn phát triển.
Ngoài Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi, LDG Group, An Thịnh, Danh Việt Group, An Gia cũng là những doanh nghiệp chuyên săn tìm quỹ đất thông qua M&A. Với Tập đoàn Hưng Thịnh, giữa tháng 4/2021, doanh nghiệp này tiếp tục chứng tỏ vị thế của một “thợ săn” địa ốc khi thông qua công ty con là Hưng Thịnh Land để nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Thuận An, qua đó trở thành chủ sở hữu quỹ đất vàng với diện tích 23.508 m2 nằm ngay mũi tàu Nguyễn Thị Minh Khai và Quốc lộ 13 (TP. Thuận An, Bình Dương).
Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng liên tiếp mua lại hàng loạt dự án bất động sản, trong đó có dự án khu đô thị biển quy mô hơn 1.000 ha (Nhơn Hội, Bình Định), bên cạnh một số dự án căn hộ khác tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận. Đến nay, quỹ đất của Tập đoàn Hưng Thịnh vào khoảng 5.000 ha, trải rộng tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố có tiềm năng kinh tế lớn như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tương tự, An Thịnh Group cũng là cái tên đình đám trên thị trường địa ốc phía Bắc nhờ chiến lược “đi tắt, đón đầu”. Chỉ trong thời gian ngắn, An Thịnh Group đã ghi dấu ấn mạnh với nhiều dự án lớn có quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng ở địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Dự án Tổ hợp căn hộ – trung tâm thương mại và văn phòng hạng A The Legacy ngay ngã tư Ngụy Như Kontum – Lê Văn Thiêm (Hà Nội), Dự án Phú Cát City tại Thạch Thất (Hà Nội)…
Mua nhanh, bán nhanh
Thâu tóm các dự án bất động sản “đóng băng”, sau đó đổ tiền vào “hồi sinh” để nhanh chóng đưa sản phẩm vào thị trường là chiến lược từng giúp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá. Tốc độ hồi sinh dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một điểm chung là bên mua đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án ngay sau khi được mua lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Xuân Huy cho hay, một thương vụ M&A hiệu quả dựa trên 3 yếu tố, bao gồm hiệu quả tài chính, gia tăng về quỹ đất, gia tăng thị phần. Ba yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, hoặc mở rộng được thị phần, sản phẩm, tiếp cận thị trường và gia tăng giá trị cộng đồng, mang lại môi trường sống tốt cho cư dân trong các dự án.
“M&A hay bất kỳ hoạt động nào của Novaland đều hướng tới thực hiện sứ mệnh kiến tạo cộng đồng và vun đắp niềm vui”, ông Huy nói và lấy ví dụ từ Dự án Aqua City tại Đồng Nai – vùng đất được mệnh danh là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn”, nhưng từ lâu vẫn ngủ yên. Sau khi được mua lại, Novaland đã liên tục chi hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng một đại đô thị sầm uất, mang sức hấp dẫn tự thân và lan tỏa sự sôi động ra các khu vực lân cận.
Tương tự, Tập đoàn Danh Khôi – một tay chơi mới nổi trên thị trường M&A sau khi mua lại dự án tại Nha Trang cũng gấp rút tiến hành đầu tư xây dựng và đã công bố ra thị trường với tên gọi The Aston Luxury Residence Nha Trang, gồm 3 block căn hộ cao 24 – 27 tầng với gần 2.000 căn hộ sở hữu vĩnh viễn và 4 khu nhà biệt thự song lập và nhà liền kề.
Ngoài dự án này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho biết, trong năm 2020, Tập đoàn đã thâu tóm thành công 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. “Hầu hết các dự án được Danh Khôi mua lại từ năm ngoái đang được triển khai và sẽ đưa dần ra thị trường từ năm 2021”, ông Bảo nói.
Đánh giá về chiến lược M&A của nhiều doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản đang có sự chuyển giao khá mạnh giữa các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp. “Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án được mọc lên một cách bài bản, đồng bộ”, ông Châu nói và nhấn mạnh, sự chuyển giao này vô cùng cần thiết, làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường.
*** Đi tìm kênh đầu tư: An toàn trong hiện tại, tiềm năng trong tương lai
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường quý I/2021 của một trang bất động sản, thị trường đang chứng kiến sự chuyển dịch làn sóng quan tâm của người Hà Nội sang các khu vực tỉnh thành vùng ven.
Cụ thể, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu có chỉ số quan tâm bất động sản tăng 50% so với quý IV/2020, Bắc Giang tăng 37%, Hòa Bình tăng 35%, Ba Vì tăng 33%, Bắc Ninh tăng 27%, Hải Dương tăng 19%.
Sở dĩ Thái Nguyên trở thành tỉnh có lượng khách hàng và nhà đầu tư quan tâm cao là bởi sở hữu những thế mạnh từ hạ tầng giao thông hiện đại, cùng việc thu hút FDI mạnh, dư địa dồi dào, tốc độ đô thị hóa tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trong số các tỉnh miền Bắc, Thái Nguyên là tỉnh có chỉ số tăng giá đất bình ổn so với quý trước khi chỉ tăng khoảng 15%, trong khi đó, các tỉnh thành khác điển hình như Ba Vì tăng 76%, Hòa Bình tăng 102% lại khiến giới đầu tư lo ngại vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, giới chuyên gia nhận định, đất nền tại tỉnh Thái Nguyên đáp ứng được cả hai yếu tố an toàn trong hiện tại và tiềm năng trong tương lai, là bài toán đầu tư an toàn, thông minh trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn baodautu.vn-TT