– ‘Đất sản xuất kinh doanh 120.000 đồng/m2, ăn 2 tô phở hết 1 m2 đất rồi. Đền bù như thế dân có chịu không?’, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà đặt câu hỏi.
>> Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào
Các ĐBQH chia sẻ nhiều băn khoăn về kinh phí giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành khi thảo luận tổ QH chiều nay về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần.
Dân có chịu giá này không?
Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà Trần Ngọc Khánh cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là dự án rất lớn, ảnh hưởng đời sống gần 15.000 người dân, tương đương 1 phường bình thường.
Trong đó khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dân rất quan trọng, quyết định thành bại của dự án. Nếu làm được việc này thì những bước sau rất dễ vì được lòng dân.
Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà cho rằng giá đền bù giải phóng mặt bằng hiện quá thấp, người dân khó đồng ý. Ảnh: H.Nhì
Tuy nhiên ông cho rằng, giờ mới có 5.000 tỷ trên tổng số 23.000 tỷ thì khó triển khai được.
Ngay cả trường hợp có tiền, thì chính sách bồi thường tái định cư như hiện nay dân đã đồng ý chưa?
Đối với đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn, cao nhất là được bồi thường 1,92 triệu đồng/m2, thấp nhất là 240.000.
“Dân có chịu giá này không? Tôi cho là khó. Mà đây là đất ở, còn đất sản xuất kinh doanh lại chỉ có 120.000 đồng/m2. Ăn 2 tô phở là hết mét đất. Vùng sâu, vùng xa có thể rẻ nhưng có rẻ đến mức như thế này không?”, Thiếu tướng Khánh đặt câu hỏi.
Ông cho biết, ở Khánh Hoà, đất chuyển đổi sang mục đích để làm đất ở được thì cũng không bao giờ có giá 2 triệu.
“Nếu chúng ta bấm nút đồng ý với phương án này, có nghĩa nếu dân bị thiệt thì trách nhiệm là của chúng ta”, ĐB Khánh nhấn mạnh.
‘Tôi thấy các con số đang nhảy múa’
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cho biết, trong suốt 12 năm qua kể từ khi được phê duyệt, người dân tại Đồng Nai không làm được nhà, không tách được đất cho con, công ăn việc làm cũng rất khó khăn. Đây là câu chuyện của 5.000 hộ dân thì không phải chuyện nhỏ.
“Ban đầu khái ước toán giải phóng mặt bằng có hơn 10.000 tỷ đồng, giờ lên 23.000 tỷ đồng. Vậy đến khi lập dự án trình QH có lên tới 25.000-26.000 tỷ không? Và khi thực hiện lên tới 60.000-80.000 tỷ thì sao. Tôi thấy các con số đang nhảy múa”, ĐB TP.HCM băn khoăn.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cũng cho rằng, chỉ với 5.000 tỷ/23.000 tỷ giải phóng mặt bằng thì rất khó triển khai dự án.
“18.000 tỷ đồng chúng ta lấy từ đâu? Có thể chúng ta thu đất rồi nhưng không có phương án đền bù thì đời sống người dân sẽ ra sao? Không thể làm đến đâu hay đến đó. Theo quy trình tôi thấy có điểm chưa hợp lý. Bài học là nhà máy điện Ninh Thuận, đã triển khai, giải phóng mặt bằng rồi nhưng lại phải dừng lại”, bà Mai lo lắng.
Một số ĐB cũng lo ngại chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục tăng, khi suốt 12 năm qua đã có tình trạng đầu cơ đất, bán đi bán lại nhiều lần.
Từ thực tiễn địa phương, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh đánh giá, nếu không sớm thu hồi giải phóng mặt bằng thì rất lo phức tạp phát sinh, khó lường như giá đất lên cao.
“Hiện nay giá đất đã tăng từ 8-10 lần rồi, ảnh hưởng đến sau này hỗ trợ tái định cư”, bà Thanh nói.
ĐB Thanh cho rằng, nếu tiếp tục chậm trễ, giá đền bù sẽ còn tăng cao hơn nữa khi thời điểm tính toán báo cáo QH khoá 13 là 18.000 tỷ nhưng giờ đã trượt giá lên 23.000 tỷ.
Bà cho biết, hiện dự án đã được công bố quy hoạch hơn 10 năm nên dân rất băn khoăn, lo lắng về công việc, cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp, hoạt động của các doanh nghiệp cũng bị hạn chế.
“Bà con Đồng Nai mong muốn dự án nhanh được thực hiện để họ được ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất, có công ăn việc làm ổn định, lúc đó mới thấy bức tranh hoàn chỉnh cho dự án sân bay quốc tế Long Thành đẹp không chỉ cho Đồng Nai mà cho cả nước”, bà Thanh nói.
Nguồn Vnn-TT