Chủ tịch Vnrea: Kiến nghị giải pháp phát triển ổn định thị trường bất động sản
– Xây dựng chính sách tín dụng linh hoạt, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, tập trung xây dựng phát triển chính sách đối với bất động sản nghỉ dưỡng… là những kiến nghị của Hiệp Hội bất động sản Việt Nam nhằm phát triển thị trường nhà ở và bất động sản trong những năm tới.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ trong việc phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
Có chính sách tín dụng tích cực và linh hoạt đối với thị trường BĐS
Trong năm 2017 vừa qua, thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch. Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2017 lượng giao dịch tăng mạnh so với năm 2016, chỉ tính riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có 64.263 giao dịch thành công (chưa kể đất nền dự án) , chủ yếu là sản phẩm chung cư giá rẻ và trung cấp. So với năm 2016, giá chung cư tăng nhẹ khoảng 5%, đất nền tăng khoảng 10%; tồn kho tiếp tục giảm 17% so với thời điểm 12/2016 (tính đến 20/11/2017 còn hơn 25.700 tỷ đồng).
Tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng trong giới hạn an toàn: Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết quý III/2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực KD BĐS là gần 450 ngàn tỷ đồng; ước tính năm 2017, dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay BĐS khoảng 8,5%.
Với bức tranh thị trường như trên, có thể thấy thị trường BĐS đang được quản lý – vận hành đúng hướng, an toàn và ổn định, chưa có dấu hiệu “bong bóng BĐS” như một số ý kiến lo ngại gần đây. Thậm chí, dư nợ tín dụng hiện nay đang diễn biến trái ngược với những năm trước đây: Thông thường tốc độ tăng trưởng cho vay BĐS gấp 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng chung (tốc độ tăng trưởng chung 10-12% thì lĩnh vực BĐS thường là 17-18%), trong khi năm nay tăng trưởng tín dụng khoảng 19% thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực BĐS chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS chỉ đạt 6%, trong khi mức an toàn là 8-10%.
Sự thiếu hụt về nguồn vốn tín dụng trong nước được bù đắp bằng nguồn vốn FDI tuy nhiên, để tiếp tục phát triển của thị trường BĐS, làm đầu kéo các loại thị trường khác phát triển (thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, thị trường vốn, nguồn lực đất đai…), góp phần tích cực phát triển kinh tế và tăng thu cho ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan điều hành chính sách tài chính – tín dụng linh hoạt hơn, mở rộng tín dụng hơn cho lĩnh vực KD BĐS (lên mức 7-8%).
Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ
Kiến nghị về Nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, hiện nay hành lang pháp lý đã khá đầy đủ (Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP) trong đó đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước chi phối cho người dân và doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với lãi suất không cao hơn 50% lãi suất thương mại cùng thời điểm; Thủ tướng đã có các quyết định quy định lãi suất cho vay hỗ trợ năm 2016 và năm 2017 là 4,8%/năm, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa cho vay được.
Thực tế việc triển khai gói 30.000 tỷ thời gian qua cho thấy gói kích thích, hỗ trợ này rất hiệu quả. Việc gói 30.000 tỷ tham gia vào thị trường đã thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội, cũng như có tác dụng lan truyền từ phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỷ đồng) sang các phân khúc khác của thị trường. Hiện nay, chính quyền các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đã dành một số quỹ đất cho phát triển NOXH, việc tạo lập quỹ NOXH có thể được các DN thực hiện thông qua nguồn tín dụng thương mại nhưng việc mua nhà của người dân thu nhập thấp vẫn phải có sự hỗ trợ tín dụng của Chính phủ mới thực hiện được.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015 vào cuộc sống. Hiệp hội BĐS Việt Nam cam kết sẽ vận động các thành viên hiệp hội chung tay, chung sức cùng Chính phủ chăm lo nhà ở cho người dân.
Trước mắt, với nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng dành cho vay phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng dành 600 tỷ đồng cho Ngân hành Chính sách xã hội hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội; 600 tỷ đồng dành bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước chi phối cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua, như vậy, với 600 tỷ đồng bù lãi suất này có thể huy động được thêm 20.000 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Về lâu dài, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, NHNN và các bộ, ngành liên quan có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng/chủ đầu tư dự án NOXH như đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn, cũng như hỗ trợ ưu đãi nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỷ đồng) tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây đã rất thành công.
Kiến nghị về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng (hoặc bằng quỹ nhà ở, hoặc tiền với giá trị tương đương) để đầu tư xây dựng NOXH.
Nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo được quỹ đất sạch/quỹ nhà ở lớn mà ngân sách nhà nước không mất nhiều chi phí. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc thực hiện dành quỹ đất/quỹ nhà ở xã hội 20% này còn hạn chế và chưa triệt để, chưa đáp ứng nhu cầu.
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương triển khai rà soát quy hoạch đô thị để xác định cụ thể vị trí, diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là NOXH, nhà ở thương mại với tỷ lệ hợp lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Kiến nghị về phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng
Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 chính là du lịch. Một trong những cú hích lớn cho du lịch Việt Nam là vào đầu tháng 01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu: Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; …có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; thu hút được 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm…
Tiếp đó, vào giữa tháng 6, Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội thông qua và gần đây nhất, ngày 06/10/2017, Chính phủ đã có Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW.
Theo số liệu của Tổng Cục du lịch, đến cuối năm 2016, mới có 420.000 buồng phòng tại các cơ sở lưu trú. Từ các số liệu của ngành Du lịch Việt Nam năm 2017 và các mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2013 có thể nói, thực tế hoạt động du lịch của cả nước chỉ tính đến năm 2017 đã đạt xấp xỉ, thậm chí có những con số như số du khách nội địa đã vượt qua mốc năm 2025.
Bên cạnh đó, hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, TP.HCM và các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%), việc đặt phòng vào các dịp nghỉ lễ rất khó khăn. Như vậy, cần phải tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hàng trăm ngàn buồng phòng nữa để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới.
Condotel (căn hộ khách sạn), vila resort (biệt thự du lịch) là loại hình BĐS mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây. Sự xuất hiện của mô hình condotel/resort tại Việt Nam đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới.
Thực tế thời gian qua đã chứng kiến điều đó: năm 2017 thị trường BĐS nghỉ dưỡng chỉ riêng tại một số thị trường chủ đạo Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có tới hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công là hơn 12.500.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, do là loại hình BĐS mới, chưa được điều chỉnh tại các pháp luật có liên quan, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp.