-Theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện CIEM, nếu nhìn 10 dấu hiệu để thị trường bất động sản lung lay, bong bóng thì bây giờ có đến 8 dấu hiệu.
Nhiều dấu hiệu của “bong bóng” bất động sản
Thị trường bất động sản trong năm 2018 tiếp tục “nóng” lên khi các dự án liên tục được triển khai, các phân khúc và sản phẩm tiếp tục được tái cơ cấu. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang tiềm ẩn những tồn tại, không ổn định khi cung vẫn còn lệch cầu, tồn dư sản phẩm bất động sản còn cao, tín dụng ngân hàng tiếp tục được kiểm soát, những tranh chấp tại các dự án liên tục xảy ra.
Theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguồn vốn đầu tư cho bất động sản được huy động theo 10 kênh khác nhau như: vốn FDI, vốn chứng khoán, vốn doanh nghiệp tự có, vốn trong dân… Nhưng hệ thống ngân hàng vẫn chiếm trên 70% lượng tiền đầu tư cho bất động sản. Đây cũng là vấn đề trong phát triển thị trường bất động sản vì nguồn vốn ngân hàng đều là nguồn vốn ngắn hạn.
Tồn dư các sản phẩm bất động sản vẫn còn cao.
Về tính ổn định, khả năng phát triển của thị trường, ông Trần Kim Chung đánh giá, nếu nhìn 10 dấu hiệu để thị trường bất động sản lung lay, bong bóng thì bây giờ có đến 8 dấu hiệu. Đó là giao dịch tăng, giá tăng, các công trình khởi công tăng, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tăng, quy mô dự án tăng, giá trị một dự án tăng, nguồn tiền vào các dự án bất động sản tăng, truyền thông quan tâm nhiều hơn…
“Chỉ còn 2 dấu hiệu nữa là chạm vào khủng khoảng như năm 2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất. Hiện 2 yếu tố này đang kéo ngược thị trường bất động sản” – ông Trần Kim Chung nói.
Ông Trần Kim Chung cũng cảnh báo, thị trường bất động sản có chu kỳ cứ 10 năm quay vòng lại một vòng: Phục hồi-tăng trưởng-suy thoái-khủng khoảng. Do đó, việc đầu tư vào bất động sản trong thời điểm này cần thận trọng.
Bất động sản 3 đặc khu kinh tế vẫn là dấu hỏi lớn
Trong những tháng đầu năm 2018, bất động sản ở 3 nơi chọn xây dựng đặc khu kinh tế đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Chính quyền địa phương đã phải tạm dừng giao dịch để làm giảm “cơn sốt” đất ở những đặc khu kinh tế tương lai.
Về việc phát triển bất động sản tại 3 đặc khu, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia phân tích, giá bất động sản ở đây đã lên khá mạnh, những ai đã sở hữu bất động sản từ trước tại đây có thuận lợi lớn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư FDI đăng ký đầu tư vào 3 khu vực này khá mạnh và với quy mô lớn.
Các dự án bất động sản ở những đặc khu kinh tế sẽ khó thực hiện khi giá đất liên tục tăng.
“Tuy nhiên, cũng chính vì giá đất đang lên khá mạnh, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư một dự án lớn với quy mô lớn thì giá đền bù sẽ rất lớn, nhà đầu tư khó có năng lực chi trả cho hoạt động giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, có người dân muốn bán, có người chưa muốn bán vì nghĩ rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng… đây là những thách thức cho phát triển dự án đầu tư tại đặc khu” – TS Cấn Văn Lực cảnh báo.
Một khó khăn khác, đó chính là quy hoạch phân khu tại các khu vực này chưa rõ ràng vì vậy nhà đầu tư cũng rất khó nắm bắt để có kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, định hướng phát triển các ngành nghề kinh tế mũi nhọn của các đặc khu cũng chưa rõ ràng, nguồn nhân lực chất lượng cao để dành cho phát triển cũng chỉ đang trong quá trình xây dựng, TS Cấn Văn lực phân tích./.