Tốc độ đô thị hóa ở mức cao, trong khi Đà Nẵng gần như đã cạn kiệt quỹ đất để phát triển không gian công cộng, giao thông…
Chiều 11/6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ tịch thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ chủ trì với sự tham gia của khoảng 100 chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước.
Từ ước mơ thành phố đáng sống và đáng nhớ
Theo dự thảo quy hoạch, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại – thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Trong đó, bao gồm thành phố có môi trường xanh, sản xuất xanh và lối sống xanh, thích ứng cao với biến đổi khí hậu; có khả năng và sức hút kết nối toàn cầu; có bản sắc riêng đáng sống và đáng nhớ.
Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đông.
Đà Nẵng đặt ra mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đạo hóa dựa trên nền tảng của Cách mạng công nghệ 4.0 với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại; hình thành lối sống đẹp và đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Thành phố đưa ra mục tiêu tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) giai đoạn 2018-2030 đạt từ 9 đến 11%/năm; nâng tỷ trọng GDRP của Đà Nẵng trong cả nước đạt từ 2,3 đến 2,9% (hiện nay là 1,55%). Đời sống của người dân được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.000 đến 9.000 USD (tính theo giá năm 2016).
Chính quyền Đà Nẵng cũng tiếp tục thực hiện chương trình thành phố “5 không, 3 có”, “4 an”; chăm sóc sức khỏe người dân; phổ cập trung học phổ thông, trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao của Việt Nam.
Về môi trường, thành phố phấn đấu đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn; 100% nước thải nguy hại được xử lý; giảm một nửa tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý. Xây dựng hệ thống thông tin điện tử về quản lý đất đai trên toàn thành phố. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%,…
Thành phố sẽ mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận để tạo ra không gian phát triển đô thị. Phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng đô thị nén. Quy hoạch Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo về một đô thị trên biển.
Đến tụt hậu về quy hoạch
Các chuyên gia đánh giá, sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam năm 1997 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển ngoạn mục nhất cả nước về kinh tế, mật độ đô thị. Tuy nhiên thành phố lại đang bị tụt lại phía sau về quy hoạch.
TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đang làm việc tại Bắc Mỹ), cho rằng quỹ đất của Đà Nẵng đã hết, trong khi tốc độ đô thị hóa đang ở mức cao. Do đó, đất còn lại cho phát triển không gian đô thị không còn nhiều. Trong tương lai thành phố cần tạo thêm quỹ đất mới thuận lợi cho quy hoạch các khu đô thị đặc trưng.
TS Ngô Viết Nam Sơn đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Ông Sơn hiến kế, Đà Nẵng cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng xây dựng các đô thị sáng tạo ở vùng ven nhằm giảm mật độ dân cư cho khu vực nội thành. Nếu thành phố không điều chỉnh quy hoạch kịp thời thì trong vòng 10 năm tới sẽ phải đối mặt với kẹt xe, ngập nước như đang diễn ra ở Hà Nội và TP HCM.
Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng) cho rằng dù thành phố đang cần thêm quỹ đất phát triển không gian đô thị, nhưng cần hết sức thận trọng trong việc lấn biển trên vịnh Đà Nẵng. “Vịnh nhỏ, xung quanh nhiều núi đá bao bọc, cơ chế thủy văn cũng khác hoàn toàn so với các nơi khác trên thế giới”, ông lý giải.
Vẫn theo ông Tiếng, Vịnh Đà Nẵng nếu bị thu hẹp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hàn. Việc hút cát tại chỗ để bồi lấp chắn sẽ gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến môi trường.
Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng), nhận định đô thị Đà Nẵng đang có xu hướng đi vào bế tắc như ở TP HCM và Hà Nội, khi không thoát ra khỏi tư duy nhà ống và xe máy, các không gian đô thị công cộng rất hiếm, quỹ đất cho phát triển giao thông dần cạn kiệt. Hệ thống giao thông đa số là cùng mức.
Để hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại và khắc phục được những tồn tại trong quá trình phát triển tự phát của các đô thị Việt Nam hiện nay, ông Trần Du Lịch nói Đà Nẵng phải điều chỉnh, bố trí lại không gian cho dịch vụ công cộng.
Thêm vào đó, thành phố cũng cần chấm dứt kiểu hình thành dự án rồi quy hoạch chạy theo sau. “Sau khi đã thống nhất quy hoạch rồi thì kỷ cương xây dựng theo quy hoạch phải được thực hiện nghiêm. Đà Nẵng đang có dấu hiệu phá vỡ điều này”, ông Lịch nói.
Nguồn VnExpress-TT