VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Hà Nội: Đã bố trí 2.570 căn hộ phục vụ tái định cư phục vụ dự án Vành đai 1 Hoàng Cầu – Voi Phục

Dự án xây dựng đoạn tuyến Hoàng Cầu – Voi Phục nhằm khép kín Vành đai 1 đã được UBND TP Hà Nội và các cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư. Một trong những khâu then chốt, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với dự án là công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện rốt ráo, đúng tiến độ.
 Điểm cuối đường Hoàng Cầu - Voi Phục. Ảnh: Hải Linh
Điểm cuối đường Hoàng Cầu – Voi Phục. Ảnh: Hải Linh
Khởi công trong quý II /2019
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, giai đoạn 1. Theo đó, tuyến đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ kéo dài 2.274m, mặt cắt ngang B = 50m; bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng Vành đai 1, tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Đê La Thành – Nguyễn Chí Thanh. Đây được xem là một trong những dự án giao thông cấp bách nhất của Hà Nội hiện nay, nhằm khép kín Vành đai 1 từ Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Kim Liên – Hoàng Cầu – Voi Phục đến Vành đai 2; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến Hoàng Cầu – Đê La Thành – Voi Phục.
Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 quận: Ba Đình, Đống Đa; do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư và quản lý trực tiếp. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục. Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án tuyến đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục là hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng chỉ 628 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.800 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách TP.
Đại diện chủ đầu tư, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội Lê Văn Bính cho biết, các đơn vị tham gia thực hiện đang nỗ lực để khởi công dự án trong quý II/2019. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án sẽ được bắt đầu tiến hành từ quý I/2019 và phấn đấu hoàn thành trong năm nay. “Hạng mục 2 cầu vượt trực thông sẽ được thực hiện trước nhằm tăng cường đảm bảo giao thông trên tuyến trong quá trình thi công dự án. Hiện thiết kế cầu vượt đã được báo cáo UBND TP phê duyệt, lựa chọn” – ông Bính thông tin.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ông Lê Văn Bính khẳng định, thực hiện chỉ đạo của TP, chủ đầu tư cùng các địa phương, đơn vị liên quan đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện dự án. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng được cho rằng sẽ gặp không ít khó khăn nên càng được quan tâm, sâu sát.

Dự kiến người dân quận Ba Đình sẽ được tái định cư tại các khu đô thị: Xuân La (Tây Hồ); Nghĩa Đô, Nam Trung Yên (Cầu Giấy). Người dân quận Đống Đa được tái định cư tại các khu vực: Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm); Nam Trung Yên, Trung Hòa (Cầu Giấy).

Người dân không nhận nhà tái định cư sẽ được hỗ trợ thêm 6,8 triệu đồng/m2, tính theo diện tích căn hộ bốc thăm được.

Trưởng phòng giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội Nguyễn Tấn Nam An cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng tới trên 2.100 hộ dân, diện tích thu hồi phục vụ dự án có tới 55% là đất ở (khoảng 83.200m2). Trong đó, trên địa bàn quận Ba Đình có 1.462 hộ; quận Đống Đa có 671 hộ. Theo quyết định của TP, hệ số K bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục là từ 2,0 – 2,22. Đây là hệ số tương đồng với các dự án khác có cùng đặc thù về giải phóng mặt bằng. “Sở dĩ chi phí giải phóng mặt bằng lớn như vậy là do đây đều là khu vực nội đô, khung giá đất theo quy định vốn đã cao”, ông An chia sẻ.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng được các địa phương tích cực tiến hành. Phía quận Ba Đình đã tổ chức họp với người dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng để thống nhất mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Quận Đống Đa cũng đã thông tin toàn bộ dự án đến người dân các phường: Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng; riêng phường Ô Chợ Dừa sẽ thông báo trong tháng 11 này.
UBND TP Hà Nội đã bố trí 2.570 căn hộ phục vụ tái định cư người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án. Chi phí bồi thường, hỗ trợ cũng đã được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, ông Lê Văn Bính nhìn nhận: “Khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, rất nặng nề, đòi hỏi chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phải tập trung, nỗ lực hết sức mới mong có thể hoàn thành trong năm 2019”.
Nguồn baodautu.vn-TT