Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Doanh nghiệp bất động sản ‘sốc’
– Các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ kinh tế, nên việc áp trần phí lãi vay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản điêu đứng.
Đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế. Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 tại khoản 3 điều 8 là khống chế tỷ lệ lãi vay.
Cụ thể Nghị định quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ kinh tế. Các công ty thuộc nhóm ngành này thường sẽ hình thành mô hình công ty mẹ con, hay công ty liên kết để triển khai dự án cho tập trung và chuyên nghiệp. Với hai yếu tố này (thiếu vốn, hoạt động mô hình mẹ – con), các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn kép với Nghị định 20.
Theo quy định của Luật Đầu tư, vốn đầu tư của một dự án bao gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động. Theo quy định Nghị định 43/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp bất động sản có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên.
Đồng thời, các doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất, ngoài vốn tự có, doanh nghiệp có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ là từ 80 đến 85%.
Như vậy, chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận tại các doanh nghiệp bất động sản hầu hết cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Nếu áp dụng quy định của Nghị định này, doanh nghiệp bất động sản khó triển khai dự án quy mô lớn.
Liên quan đến việc áp trần lãi vay theo Nghị định 20, Công ty cổ phần thương mại CITICOM khẳng định, việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ.
Đặc biệt, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 – 80%.
Vì vậy, “quy định này sẽ khiến đa số doanh nghiệp mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất cũng như kém cạnh tranh so với các doanh nghiệp nhà nước”, đơn kiến nghị nêu.
Hơn nữa, theo CITIMOM nếu các công ty có liên kết có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng nhau thì tổng thể thuế thu nhập doanh nghiệp là không đổi và không rủi ro khi doanh thu tài chính của công ty này là chi phí tài chính của công ty khác.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, quy định này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào các ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn như bất động sản. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện. Hơn nữa, khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính, chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn”.