VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Bất động sản Hà Nội đang dần trở về giá trị thực?

 – Hiện tại, giá bán bất động sản đã giảm 40 – 50% so với thời điểm “sốt” giá cách đây 10 năm và gần trở về giá trị thực.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có hơn 20.000 căn hộ đang được chào bán ra thị trường. Cùng với đó, thành phố cũng vừa phê duyệt dự án xây dựng khu nhà ở xã hội trên diện tích 45ha với quy mô dân số khoảng 12.500 người tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Do nguồn cung dồi dào, trong khi sức hấp thụ của thị trường thấp, giá căn hộ tại Hà Nội đang có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn quá cao so với thu nhập của đa số người lao động tại Thủ đô.
Với mức thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, sau gần 10 năm tích góp, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Thái Bình, đang làm việc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chỉ tiết kiệm được 400 triệu đồng. Vợ chồng anh đang tìm căn hộ chung cư với mức giá khoảng 1 tỷ đồng để mua theo hình thức trả góp.
bat dong san ha noi dang dan tro ve gia tri thuc hinh 1
Giá bất động sản tại Hà Nội còn rất cao so với thu nhập của người lao động.
Tuy nhiên, loại căn hộ giá dưới 20 triệu đồng/m2 chỉ có ở những vị trí xa trung tâm khoảng 10km, cộng với việc phải trả lãi suất vay Ngân hàng hơn 10%/năm khiến dự định mua nhà của vợ chồng anh Tuấn gặp nhiều khó khăn.
“Căn hộ giá rẻ có bán kính xa trung tâm thành phố từ 10-12km hiện giờ đã có giá 15-18 triệu đồng/m2. Nếu cách trung tâm khoảng 6 – 7km giá bán phải lên đến 20-22 triệu đồng. Giá nhà ở này đang cao so với mặt bằng chung của thu nhập của người dân. Với mức sống và thu nhập của người lao động ở thành phố này, tích cóp được 1 tỷ đồng là cực kỳ khó khăn”, anh Tuấn nói.
Trong Quý III vừa qua, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội đạt 106,1 điểm, giảm 1 điểm so với Quý II và 2 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán trung bình được ghi nhận ở mức 27,5 triệu đồng/m2. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt 28%. Khối lượng giao dịch đạt hơn 6.000 căn, trong đó căn hộ hạng B có lượng giao dịch tốt nhất, chiếm 42% thị phần.
Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp, giá bất động sản ở Hà Nội trong thời gian tới khó có thể giảm. Hiện tại, giá đã giảm 40 – 50% so với thời điểm “sốt” giá cách đây 10 năm, gần về giá trị thực. Với chi phí đầu tư ở phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, lợi nhuận của các doanh nghiệp không còn như trước đây, chỉ 10 – 20%.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn FLC cho rằng, để thúc đẩy phân khúc bất động sản nhà ở thương mại giá thấp, Nhà nước cần nghiên cứu để có gói hỗ trợ tương tự như gói 30.000 tỷ dành cho phân khúc này, vì đây là phân khúc phục vụ cho người dân có nhu cầu ở thực.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mức giá bất động sản hiện nay ở nước ta, cụ thể là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhìn bên ngoài thì có vẻ ổn định.
Nhưng sự thực, hệ số thu nhập của người dân so với bất động sản còn rất cao, tương đương với khoảng 12-15% tùy phân khúc (ở các nước phát triển ổn định, tỷ lệ này khoảng từ 2-4%) và như vậy chỉ số này chưa phù hợp với thu nhập của người lao động. Ông Võ cho rằng, khi Nhà nước đánh thuế cao, giá bất động sản sẽ hạ xuống thấp và ngược lại. Vì vậy, cần đánh thuế đất cao hơn mức 0,03% như hiện nay.
“Các nước công nghiệp phát triển thường đánh thuế đất là 1% giá thị trường, nhưng ở Việt Nam chỉ đánh thuế 0,03% giá Nhà nước. Mức thuế này hầu như không có tác động gì vào doanh nghiệp hoặc người dân đang nắm giữ bất động sản vì nó quá thấp”, ông Võ cho biết.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thị trường bất động sản nước ta đang phát triển tích cực. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp đã và đang được triển khai.
Hiện nay, thị trường bất động sản phát triển tốt cả về giá cả, tính thanh khoản, số lượng giao dịch và chất lượng sản phẩm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng được điều chỉnh từng bước để phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Bộ Xây dựng sẽ tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách, văn bản pháp luật, cắt giảm những điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần có hướng xử lý hiệu quả và kịp thời đối với những dự án lớn (trên 1.500 căn hộ), còn bất cập về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, sử dụng quỹ đất còn lãng phí. Trong đó, cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho những dự án nhà ở xã hội đang gặp khó khăn.
“Nguồn vốn cấp bù lãi suất, cấp trực tiếp cho người vay đang triển khai phụ thuộc vào tiến độ phân bổ ngân sách trung hạn giai đoạn 206-2021 nên chậm. Bộ Xây dựng cũng nắm được tình hình có nhiều dự án đang triển khai gặp rất nhiều kho khăn, kể cả nhà đầu tư và khách hàng. Do đó, Bộ phải nghiên cứu chính sách hỗ trợ và đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới”, ông Ninh nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây Dựng, diện tích nhà ở trung bình hiện nay là 20m2/người, tương lai sẽ quy hoạch là 30m2/người. Mục tiêu đến 2020 – 2025 sẽ đạt tới 45%. Tiêu chuẩn này ở Hà Nội khó có thể đạt được nếu không có nguồn lực hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp và xa hơn nữa là đưa bất động sản dần trở về giá trị thực./.
Nguồn VOV.VN-TT