Độ minh bạch của bất động sản Việt Nam ngày càng cải thiện trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, gia tăng cơ hội cho bất động sản khu trung tâm.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Minh bạch Bất động sản Toàn cầu (GRETI) vừa được JLL công bố, năm nay, lần đầu tiên Việt Nam bước vào nhóm các nước “bán minh bạch” sau một thập kỷ, xếp hạng thứ 56 trên toàn cầu. Đây cũng là năm thứ hai Việt Nam thăng hạng về độ minh bạch trong mắt các nhà đầu tư ngoại, chủ yếu nhờ vào sự phát triển của hai đô thị Hà Nội và TP HCM.
Tín hiệu tích cực từ bất động sản công nghiệp
Bảng xếp hạng Chỉ số Minh bạch Bất động sản Toàn cầu đã được JLL và LaSalle thực hiện từ năm 1999 để theo dõi tính minh bạch của bất động sản và thúc đẩy nâng cao các tiêu chuẩn thị trường. Trong năm nay, có 99 quốc gia và vùng lãnh thổ, 163 khu vực thành phố có mặt trong bảng đánh giá, dựa trên 210 yếu tố minh bạch khác nhau, bao gồm tính bền vững và khả năng phục hồi, sức khỏe, proptech và các lĩnh vực thay thế khác.
Sự phát triển của TP HCM và Hà Nội giúp Việt Nam tiếp tục thăng hạng về độ minh bạch trong mắt nhà đầu tư ngoại.
“Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể”, ông Stephen Wyatt – Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận định.
Chỉ số này cũng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của Covid-19 đối với các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu đang có nhu cầu triển khai hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Báo cáo vừa công bố trước đó của JLL cũng chỉ ra rằng, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn cho những doanh nghiệp quốc tế đang muốn mở rộng hoặc dịch chuyển ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
“Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn”, ông Stephen nhấn mạnh.
Thực tế, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục. Tại miền Nam Việt Nam, JLL ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã tự tin hơn trong quyết định tăng giá cho thuê.
Cơ hội cho bất động sản nhà ở hạng sang
Làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc không chỉ mang đến niềm vui cho những chủ đầu tư bất động sản công nghiệp. Thị trường nhà ở cao cấp, đặc biệt là tại khu trung tâm hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM, cũng đã nhận tín hiệu tích cực để đáp ứng nhu cầu của nhóm chuyên gia, lao động nước ngoài.
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, giá căn hộ cao cấp và hạng sang tại TP HCM đã tăng trung bình 10-13% mỗi năm trong 3 năm qua. Riêng căn hộ hạng sang tại khu trung tâm có mức tăng đến 40% trong giai đoạn từ năm 2017 đến đầu quý IV/2019. Đây là nhóm bất động sản chứng kiến sự tác động mạnh nhất từ nhóm các nhà đầu tư ngoại.
Trong đó, các khu vực trung tâm thành phố hoặc những quỹ đất có vị trí gần tuyến metro đặc biệt thu hút các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Singapore, Hong Kong và Đài Loan cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ. Khách hàng nước ngoài chiếm đến 50% tổng số những giao dịch chuyển nhượng dự án nhà ở. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mở rộng hoạt động, mà còn thể hiện cam kết về sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam.
Giá căn hộ mới tại khu trung tâm TP HCM trung bình 5.500-6.500 USD mỗi m2, chỉ bằng một phần của mức giá nhà tại Hong Kong, theo số liệu của Savills. Giá này vẫn đang thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok dù tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, mức thuế bất động sản tương đối thấp ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn người mua cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không còn nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, việc hạn chế cấp phép xây dựng nhà ở cao tầng cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn cung của phân khúc này rất hạn chế.
The Grand Manhattan – dự án hiếm hoi đang được triển khai xây dựng tại trung tâm quận 1, TP HCM, chỉ cách trạm metro Bến Thành 5 phút đi bộ.
Một trong những dự án căn hộ hạng sang hiếm hoi đang được triển khai xây dựng tại quận 1, TP HCM hiện nay là The Grand Manhattan của Novaland cũng đang thu hút dòng vốn ngoại bởi chính sự khan hiếm và tiềm năng sinh lời bền vững. Lợi thế “hiếm có khó tìm” của dự án này là những cư dân đầu tiên mua căn hộ sẽ được sở hữu chỗ đậu xe định danh – một đặc quyền giá trị mà có tiền chưa chắc mua được tại khu vực lõi trung tâm.
Giờ đây, nền tảng thị trường tiếp tục được bổ sung thêm yếu tố thời cơ mới là việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Làn sóng đầu tư bất động sản hạng sang tại khu vực trung tâm TP HCM được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, để đón đầu nhu cầu nhà ở cho giới chuyên gia nước ngoài đi cùng xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Nguồn VnExpress-TT