VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

“Biến” sông Tô Lịch thành công viên: Hà Nội sẽ mộng mơ hơn!

 TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên là ý tưởng tốt, trong khi TS Tống Trung Tín nhìn nhận, dự án thành công, Hà Nội sẽ hấp dẫn và mộng mơ hơn…
“Biến” sông Tô Lịch thành công viên: Hà Nội sẽ mộng mơ hơn! - 4  Cảnh quan “Công viên Tô Lịch” theo bản đề xuất.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 15/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có công văn báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh” bằng nguồn vốn Nhật Bản.
Liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nghiêm Vũ Khải – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đề xuất trên là ý tưởng tốt, người đưa ra đề xuất này là có “cái tâm” để đóng góp cho Thủ đô Hà Nội phát triển xanh-sạch-đẹp hơn
“Tôi có đọc, quan sát trên báo chí thì ý tưởng của đề xuất này khá hay, một thành phố mà có dòng sông chảy qua là tài sản và là yếu tố về kiến trúc, cảnh quan, môi trường rất quan trọng. Lâu nay Hà Nội để dòng sông Tô Lịch bị lu mờ, bị hủy hoại nặng nề quá. Do đó, bây giờ TP Hà Nội phải có trách nhiệm cải tạo dòng sông này theo hướng khai thác một cách hiệu quả và bền vững” – TSKH Nghiêm Vũ Khải nói.
Theo ông Khải, đã gọi là sông, thì chức năng đầu tiên của con sông là cấp và thoát nước.
Ngoài ra, sông còn có chức năng vận tải đường thủy và cảnh quan môi trường gồm: diện tích mặt nước, diện tích cây xanh là tiêu chí rất quan trọng của đô thị để phát triển xanh và bền vững, sau đó mới đến yếu tố về văn hóa, tâm linh. Rõ ràng sông Tô Lịch chứa đựng một yếu tố lịch sử trên 1.000 năm, thậm chí có nhiều tư liệu nói khoảng 2.000 năm.
Đứng ở góc độ là một chuyên gia về bảo tồn di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho hay, ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh” nên được ủng hộ, nhưng khi triển khai cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Phải thừa nhận rằng con sông Tô Lịch ngày nay đang có xu hướng bị “cống hóa”, mặt khác lại đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nó trong lành trở lại? Hướng đi cải tạo này là đúng và cần được ủng hộ. Khi dự án này được thực hiện sẽ góp phần cải tạo môi trường sinh thái của Thủ đô, không kéo dài tình trạng ô nhiễm” – PGS.TS Bài chia sẻ.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng ủng hộ dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên, nhưng cho rằng, khi triển khai cần đồng bộ các giải pháp.
“Thời cơ hiện nay cho phép chúng ta thực hiện được các dự án lớn như dự án làm sạch sông Tô Lịch này. Tuy nhiên, cần phải ưu tiên làm nước sạch trong lòng sông Tô Lịch trước, kích thích những vi sinh vật có lợi cho môi trường phát triển. Từ đó thu gom, xử lý nước thải kết hợp đồng bộ với các dự án để phục vụ mục tiêu chung hồi sinh và xây dựng cảnh quan sông Tô Lịch” – ông Nhuệ chia sẻ.
Cũng liên quan đến nội dung trên, chiều 27/9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Dân trí, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam Tống Trung Tín cho biết: Nếu việc đề xuất “biến” sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử- Văn hoá-Tâm linh” thành hiện thực, Hà Nội sẽ hấp dẫn và mộng mơ hơn.
Ông Tín cho biết thêm, hiện nay, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản cũng đã làm được những dự án như thế và thực sự trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn.
Một trong những nội dung của đề xuất nói trên cho biết, dự án khi thực hiện sẽ kết hợp đồng bộ với các dự án mà thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau khi xử lý của dự án hệ thống nước thải Yên Xá, đảm bảo không chồng chéo dự án để tránh lãng phí đầu tư.

Nguồn DTO-TT