Bộ Xây dựng đồng ý đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu; Chính phủ yêu cầu Bộ Công an làm rõ tiêu cực của Công ty địa ốc Alibaba; mạo danh Hiệp hội bất động sản TPHCM để lừa bán đất… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua…
Mạo danh Hiệp hội bất động sản TPHCM để lừa bán đất
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện các trang giả mạo Hiệp Hội bất động sản TPHCM, tự mạo nhận là Hiệp hội bất động sản TPHCM để môi giới, chào bán bất động sản, nhất là đất nền tại TPHCM và một số tỉnh lân cận. Hành vi này có dấu hiệu lừa dối khách hàng, có thể dẫn đến hậu quả là khách hàng bị lừa đảo hoặc bị thiệt hại.
Ông Châu cũng nêu tên cụ thể một số trang giả mạo Hiệp hội để rao bán bất động sản trong thời gian qua.
HoREA đề nghị các doanh nghiệp và người dân cảnh giác với các trang Facebook giả mạo HoREA, để tránh bị lừa đảo hoặc bị thiệt hại. HoREA cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý các trang Facebook giả mạo HoREA theo quy định của pháp luật.
Chính thức đồng ý đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời báo chí về việc tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.
Tại văn bản này, Bộ Xây dựng cho hay đã có hai văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về nội dung này gồm: Văn bản số 1839/BXD-QHKT ngày 7/8/2019 về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng khu kinh tế và Văn bản số 1655/BXD-QHKT ngày 16/7/2019 về ý kiến đối với kiến nghị bổ sung của UBND tỉnh Kiên Giang.
Bộ này cũng nêu rõ việc tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch…
Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.
Đề xuất cho địa phương tự quyết dự án nhỏ, Bộ Xây dựng nói gì?
Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre liên quan đến việc quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Theo cử tri Bến Tre, về quản lý đầu tư và phát triển đô thị, tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định:
“UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng”.
Tuy nhiên theo cử tri tỉnh Bến Tre, quy định trên gây khó khăn trong triển khai các dự án, nhất là đối với các dự án có quy mô nhỏ dưới 5 ha do phải trình hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
Dự án “ma” tràn lan ở Khánh Hòa: Đề nghị công an vào cuộc xác minh
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xác minh làm rõ nhân thân, hành vi của các đối tượng có hành vi thu gom đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất để phân lô chuyển quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật. Đồng thời kịp thời xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gây rối trật tự công cộng và gian lận thương mại…
Liên quan đến cái gọi là mở bán “khu dân cư Phú Quý (xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang), Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra thực tế và thu thập hồ sơ từ Văn phòng đăng ký đất đai TP Nha Trang thì vị trí khu đất được phân lô gồm 4 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.950m2.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an làm rõ tiêu cực của Công ty địa ốc Alibaba
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh liên quan đến Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ cho biết thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về các vi phạm của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba trong việc rao bán các dự án bất động sản tại một số địa phương.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến các vi phạm của Công ty cổ phần trong thời gian qua, có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.
Nhan nhản quy hoạch treo: Thu hồi dự án chậm tiến độ, xử lý cán bộ gây ách tắc
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương về vấn đề quy hoạch treo.
Theo cử tri Bình Dương, quy hoạch treo gây lãng phí tài nguyên đất, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Do vậy, cử tri đề nghị trong công tác quy hoạch cần chú trọng đặc biệt tới nguồn lực thực hiện, tránh trường hợp nguồn lực không đảm bảo. Bên cạnh đó, trong quy hoạch nên chú trọng quy hoạch trung hạn, hạn chế quy hoạch dài hạn đảm bảo tính khả thi.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết “quy hoạch treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch.
Quy hoạch treo gây lãng phí tài nguyên đất, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Nghịch lý: Tiền không có đầu tư, bao nhiêu vốn lại “chôn” vào đất nền
Năm 2008, chị Miên cùng 1 người bàn nhau hùn tiền mua một miếng đất tại phường Đồng Mai, Hà Đông. Trước đây phường này là một đơn vị hành chính thuộc huyện Thanh Oai, được sáp nhập về Hà Đông năm 2006.
Chị Miên cho biết, chị mua mảnh đất tại thời điểm đó có giá hơn 22 triệu đồng (khoảng hơn 100m2) để đón sóng khi Hà Đông lên quận.
Tuy nhiên, ít lâu sau thị trường thay đổi, rơi vào cảnh trầm lắng, số tiền hơn 2 tỷ đồng của chị cùng bạn vẫn “chôn” ở mảnh đất đó cho đến nay.
“Sau khi thị trường có dấu hiệu đi xuống, tôi muốn bán cắt lỗ thu hồi vốn nhưng thời điểm đó rao mãi không tìm được người mua. Vì khi thị trường có dấu hiệu đi xuống là không ai dám xuống tiền. Đến giờ, cũng có người hỏi nhưng trả giá chưa được 1/2 giá bỏ ra nên tôi và người bạn cùng đầu tư quyết định không bán mà để đó chờ thời điểm phù hợp”, chị Miên nói.
Cơn sốt “điêu tàn” Đà Nẵng, tiền tỷ chôn cứng đại gia tháo chạy
Hơn 6 tháng trôi qua, sau khi thị trường đất Đà Nẵng tụt dốc không phanh và đóng băng, tình hình bất động sản tại đây “rối như canh hẹ”.
Khảo sát một vòng thông tin rao bán, PV có ngay giá đất từ một người đàn ông tên B. đang kinh doanh đất tại Đà Nẵng. Theo người này, giá đất hiện có sự chênh lệch rất lớn so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Chẳng hạn, tại khu dân cư Nam Cẩm Lệ, diện tích một lô đất 100 m2 với mặt tiền 5,5m có giá dao động từ 2,7 tỷ đến 3,7 tỷ tùy thuộc vào hướng nhà, vị trí và mặt tiền rộng bao nhiêu.
Đi sâu vào xem một lô đất trên đường Đoàn Ngọc Nhạc có diện tích 100m2, đường mặt tiền rộng 7,5m có giá 2,95 tỷ (chưa thương lượng). Anh B. cho hay, trước đây, khi Đà Nẵng vào giai đoạn sốt đất, lô này có giá 3,3 tỷ nhưng nhiều người vẫn giành giật nhau để mua. Nay giá đã giảm nhưng rao mãi vẫn chưa ai hỏi.
Nguồn DTO-TT