VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Bộ Xây dựng vào cuộc “chặn” cơn sốt đất

– Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM nắm bắt tình hình và báo cáo UBND TP nhằm triển khai các giải pháp phù hợp để ổn định thị trường, tránh để xảy ra tình trạng đất tăng giá theo “tin đồn”.
Giá đất nhiều khu vực TP HCM tăng 40-60%
Giá đất nhiều khu vực TP HCM tăng 40-60%
Cơn sốt giá đất nền tại một số khu vực vùng ven của TP.HCM thời gian qua như quận 9, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… đã có tác động xấu đến thị trường bất động sản (BĐS).
Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM nắm bắt tình hình và báo cáo UBND TP nhằm triển khai các giải pháp phù hợp để ổn định thị trường, tránh để xảy ra tình trạng đất tăng giá theo “tin đồn”.
Theo đó, TP.HCM cần công khai thông tin quy hoạch các khu vực cũng như tiến độ triển khai các dự án từ giao thông, hạ tầng và cả BĐS. Cùng đó, cơ quan chức năng cần tổ chức các đoàn kiểm tra việc kinh doanh BĐS, kịp thời chấn chỉnh việc chia lô, bán nền trái quy định tại các khu vực đang là điểm nóng sốt giá.
Ngay như chính quyền các quận, huyện tại những khu vực này cần tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về thông tin và các tin đồn thất thiệt để người dân biết và không cuốn theo cơn sốt ảo…
“Nếu thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ có tác động làm ổn định lại thị trường đất nền những khu vực này” – Bộ Xây dựng khẳng định.
Cũng theo Bộ Xây dựng, xét về tổng thể những tháng đầu năm nay giá nhà ở không có nhiều biến động. Tại Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung cao cấp, vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ… thì giá bán có tăng nhẹ khoảng 3%-5% so với năm 2015. Cá biệt có một vài dự án tăng đến 10%.
Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính tạo lên làn sóng tăng giá là do hệ thống hạ tầng giao thông tại các khu vực trên đang phát triển mạnh.
Đặc biệt là có một số dự án giao thông lớn đang hình thành như tuyến Metro Bến Thành đi Suối Tiên, dự án cầu Cát Lái, Cầu Phước Khánh… Đây là những yếu tố được quảng cáo để có tác động kích thích, làm tăng giá đất tại các khu vực phía Đông, phía Nam và phía Tây thành phố.
Bên cạnh đó, thông tin một số doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án lớn tại các khu vực này cũng góp phần tạo nên “cơn sốt.”
Hàng loạt dự án được đưa ra để hấp dẫn khách lao vào khu vực này như Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn dài 60km từ huyện Củ Chi qua các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh về quận 1; đề xuất quy hoạch dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi…
Cùng đó, thông tin một số huyện như Bình Chánh, Hóc Môn sẽ chuyển thành quận và hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Nam và phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh… cũng bị giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng đẩy giá đất nền lên cao.
Về mặt chính sách, trong quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị cũng đã bị giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng để tách thửa, phân lô bán nền tràn lan tại một số quận vùng ven và các huyện ngoại thành gây mất ổn định thị trường.
Khi giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng thông tin về quy hoạch và tin đồn để làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính, các nhà đầu tư thứ cấp cũng theo tâm lý đám đông mua gom đất, chờ lên giá tạo nên cơn sốt ảo tại khu vực này.
Theo khảo sát của PV, trong những tháng đầu năm, giá đất nền tại một số khu vực đã gia tăng chóng mặt nơi tăng thấp nhất cũng ở mức 30%-40%, thậm chí có nơi giá tăng lên đến 100%-200% so với năm 2016.
Nguồn VnMedia-TT