VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Cần khung pháp lý cho những sản phẩm bất động sản mới

 – Năm 2018 thị trường bất động sản Việt Nam khá tươi sáng khi không xảy ra “bong bóng”, thị trường phát triển tốt. Thực tế đó hứa hẹn gì cho năm 2019?
Doanh số thị trường bất động sản năm 2018 tăng 4,12% so với 2017; số doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới 3.300 doanh nghiệp, tăng 44,2%. Tổng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản đang triển khai đạt khoảng 3,5 – 4 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị tồn kho bất động sản hiện còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở Quý 1/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%).
Năm 2018 thị trường bất động sản Việt Nam khá tươi sáng khi không xảy ra “bong bóng”, thị trường phát triển tốt. Thực tế đó hứa hẹn gì cho năm 2019?
bat dong san 2019: can khung phap ly cho nhung san pham moi hinh 1
Bất động sản 2019 cần giải pháp quản lý mới.
Bất động sản 2018 nhiều khởi sắc
Vậy là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại vào nửa cuối năm 2018 đã không xảy ra: bất chấp quy luật 10 năm, 2018 là một năm bình ổn tương đối của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Thị trường thoát khỏi tình trạng giao dịch trầm lắng đã kéo dài vài năm qua. Giá bất động sản nhích nhẹ nhưng không tạo nên sốt giá, “bong bóng” ảo…
Năm 2018, tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản khoảng 4%. Các doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2017. Các chương trình nhà ở phục vụ an sinh xã hội thực hiện cơ bản đúng tiến độ. Đặc biệt Chính phủ và Quốc hội đã bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm Chương trình nhà ở cho người có công. Cả nước cũng đã hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2.
Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả. Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng  Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản” (dự kiến hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019).
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập trong thời gian qua
Cần khung pháp lý cho những sản phẩm mới
Tuy vậy, năm 2018 vẫn để lại những vấn đề cần giải quyết triệt để trong năm 2019. Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam – phân tích: “Các nhà đầu tư đang chờ đợi những điều chỉnh chính sách của nhà nước hoàn thiện tính pháp lý để đảm bảo phân khúc này phát triển trong tương lai. Cần sớm ban hành quy định về phân khúc condotel để tránh những rủi ro trong quá trình đầu tư phát triển và khai thác”.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng – thì BĐS nghỉ dưỡng (condotel) đã được quy định rất rõ trong Luật Du lịch 2017 với tên gọi “căn hộ du lịch”. Luật Du lịch 2005 cũng đã đề cập loại hình này nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa cụ thể. Bản chất căn hộ du lịch là một loại khách sạn dạng căn hộ. Đối với công trình thương mại dịch vụ nói chung, bao gồm cả căn hộ du lịch, theo luật Đất đai thì chỉ được giao đất hoặc thuê đất có thời hạn, cho nên khách hàng mua căn hộ du lịch này thì phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn.
“Tuy nhiên, thời gian qua một số chủ đầu tư và một số địa phương do không nắm rõ các quy định của pháp luật nên đã cấp không đúng quy định theo Luật Đất đai. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải nghiên cứu khẩn trương ban hành bổ sung sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến căn hộ du lịch và căn hộ văn phòng. Bộ Tài nguyên và  môi trường nghiên cứu hướng dẫn ban hành văn bản quy định chế độ sử dụng đất đối với căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng. Hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận này cho các địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật”, ông Ninh đề xuất.
Một vấn đề cũng trở nên nóng bỏng thời gian qua là tranh chấp chung cư và vai trò của ban quản trị các chung cư. Các tòa chung cư hiện tại vốn có 5 chủ thể liên quan là: cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, ban quản trị (BQT), doanh nghiệp dịch vụ và các chủ sở hữu.
Theo nguyên tắc BQT đại diện  cho các chủ sở hữu, do các chủ sở hữu bầu lên, vì vậy tòa nhà nào lựa chọn được đúng người vào BQT thì BQT sẽ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Trước ý kiến đề xuất nên thành lập doanh nghiệp công ích làm công tác quản trị, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu và đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.
Năm 2019 Bộ Xây dựng xác định phân khúc khuyến khích phát triển là nhà ở trung bình, nhà ở xã hội. Để làm được điều đó, cần tiếp tục phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách, nhất là nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và phát triển nhà ở xã hội. Phấn đấu năm 2019 diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24,5m2 sàn/người./.

Nguồn VOV-TT