VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu rà soát các dự án ôm đất chậm triển khai

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Dự án “ôm đất” quá 3 năm vào tầm ngắm
Theo đó, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã; bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.
dự án đắp chiếu, ôm đất vàng, quản lý đất đai, thu hồi dự án
Khu đất dự án BV Đa khoa Quang Trung “ôm” đất vàng chậm triển khai gần 8 năm bị kiến nghị thu hồi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.
Thành phố cũng yêu cầu các sở ngành phải rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý về đất đai để bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục; bãi bỏ, điều chỉnh các thủ tục, nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
Đặc biệt, ông Chung yêu cầu Sở Tài chính chủ trì cùng với Sở TN&MT, Sở Xây dựng tăng cường sự phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất để thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể, bảo đảm chính xác, chất lượng, kịp thời; thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
“Ôm” đất vàng cả thập kỷ
Thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội hàng loạt dự án “ôm đất” cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Thậm chí nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện mà cho thuê sử dụng đất trái mục đích gây bức xúc cho người dân.
Như dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung đã chậm gần 8 năm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt.
Theo tìm hiểu, dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung được TP cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Bệnh viện đa khoa Quang Trung ngày 4/10/2007. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 500 giường, giai đoạn 2 là 700 giường nhằm xây dựng bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao (mang tính kinh doanh).
 Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra việc chấp hành luật đất đai đối với Cty CP Bệnh viện đa khoa Quang Trung được giao đất tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai để thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện đa khoan Quang Trung, dù đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận, có quyết định cho thuê đất thực hiện dự án nhưng Cty CP Bệnh viên đa khoa Quang Trung – chủ đầu tư dự án, chưa thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư
Theo Sở TN&MT , việc dự án chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chính do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung không chứng minh được năng lực và không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai.
Về dự án này, Sở TN&MT đã có đề xuất UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập hồ sơ thu hồi dự án.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam cho rằng, nhìn vào thực trạng nội đô Hà Nội hiện nay, nhiều khu đất khi chuyển mục đích sử dụng để phát huy giá trị “đất vàng” do thiếu quản lý tiến độ xây dựng, chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, nên “đất vàng” đã trở thành đất hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bị biến tướng.
Nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, dự Khu đô thị mới Thịnh Liệt với trên 35 ha có quyết định của UBND TP. Hà Nội thu hồi đất từ năm 2004 giao cho Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện không điện, không nước sạch, không hộ khẩu. Điều đáng nói, gần đây người dân ở đây càng bức xúc khi phản ánh tình trạng những phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng lại được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông để kiếm lời.
Nêu lên thực trạng về việc “đất vàng” bị sử dụng kém hiệu quả, biến tướng, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, đây là vấn đề nên quan tâm, giám sát chặt chẽ và có giải pháp xử lý quyết liệt.

Nguồn VNN-TT