VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Chuyện lạ: Mua đất từ thế kỷ trước, đến giờ chưa được nhận nền

Hàng trăm người góp vốn mua nền dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (Tranimexco) từ năm 1999, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao.
Chờ gần 20 năm vẫn chưa nhận được đất

Sáng 8/10, rất đông khách hàng góp vốn mua nền dự án Khu nhà ở CBCNV đã tụ tập trước trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và UBND quận Thủ Đức, TP.HCM, để kiến nghị các cơ quan này vào cuộc giải quyết.

Theo đơn kêu cứu của gần 200 khách hàng góp vốn dự án này, năm 2001, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) ra quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng khu nhà ở cho CBCNV công ty Tranimexco (thành viên của Cienco 6), với quy mô 86.568m2. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn đóng góp tự nguyện của CBCNV. Công ty Tranimexco làm đại diện chủ đầu tư, quản lý, điều hành dự án. Ngày 19/4/2002, dự án được UBND TP.HCM ra quyết định giao đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức.

Mua đất từ thế kỷ trước, đến giờ chưa được nhận nền  Cư dân tụ tập trước trụ sở Sở TN-MT

Từ tháng 3/1999, khi dự án đang trong giai đoạn lập đề án, Tranimexco đã bắt đầu thu tiền góp vốn. Sau đó, Tranimexco ký thỏa thuận góp vốn với CBCNV để huy động vốn thực hiện dự án thông qua đại diện công đoàn công ty.

Theo thỏa thuận góp vốn, Công ty Tranimexco được hưởng 5% giá trị đầu tư dự án, với danh nghĩa là đơn vị quản lý, điều hành dự án. Phương thức góp vốn chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: CBCNV góp 280 triệu đồng để làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, nộp thuế sử dụng đất.

Giai đoạn 2: Giải phóng nốt phần mặt bằng còn lại, xây dựng cơ sở hạ tầng, số tiền CBCNV phải đóng sẽ được thông báo 30 ngày trước khi thực hiện.

Giai đoạn 3: Chi phí bàn giao nền và nhận giấy chứng nhận chủ quyền, số tiền cũng sẽ được thông báo sau.

Ngoài ra, ở mỗi giai đoạn có thể có nhiều kỳ góp vốn, tùy theo tình hình thực tế. Sau khi hoàn thành xong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, Tranimexco sẽ ký hợp đồng chính thức.

Dự án nhận được sự đồng tình của CBCNV, nên đến năm 2004, việc huy động vốn cho giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án cũng mới chỉ dừng ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. Gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống, với cỏ dại mọc um tùm.

Cần thêm 236 tỷ mới có thể triển khai tiếp?

Tháng 7/2017, tại hội nghị toàn thể CBCNV góp vốn đầu tư dự án Khu nhà ở CBCNV, Tranimexco đã đưa ra báo cáo và kế hoạch thực hiện dự án. Theo đó, công ty này đưa ra nhiều lý do dẫn tới việc dự án chậm triển khai và cần huy động thêm vốn để thực hiện.

Theo báo cáo này, từ năm 2003 – 2009, Tranimexco đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có một số hộ dân không chấp nhận di dời. Ngoài ra, tuyến đường vành đai 2 có đoạn cắt ngang khu đất này và được điều chỉnh từ rộng 60m lên 67m. Do đó, công ty phải điều chỉnh quy hoạch và diện tích dự án, theo hướng thu hẹp lại còn 66,798m2.

Đến tháng 7/2017, Tranimexco đã thu được tổng cộng 59,8 tỷ đồng từ CBCNV. Đơn vị này cũng đã chi hết hơn 55 tỷ đồng. Trong đó, chi cho đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 30 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo này, Tranimexco cho rằng, các số liệu dự toán thiết kế đã cũ, giá cả vật liệu có biến động lớn. Do đó, cần phải huy động thêm khoảng 236 tỷ đồng nữa, nâng tổng mức đầu tư của dự án, thì mới có thể tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến tới quý I năm 2019 thì hoàn thành dự án.

Tranimexco cũng đưa ra 2 phương án thực hiện. Phương án 1 là Tranimexco tiếp tục huy động vốn của cư dân thành 4 đợt. Phương án 2 là Tranimexco sẽ ứng trước khoảng 50 tỷ đồng để thực hiện, đồng thời lùi thời gian huy đông vốn theo phương án 1 thêm 3 tháng. Công ty sẽ giảm số tiền góp vốn của CBCNV, nếu nhận được tiền đền bù từ dự án đường vành đai 2.

Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không nhận được sự đồng tình của những người góp vốn. Những người phản đối cho rằng, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng bị đội lên tới 236 tỷ là quá cao, không thể chấp nhận được và họ không còn tin tưởng Tranimexco nữa, do dự án đã bế tắc gần 20 năm.

Tại buổi làm việc với đại diện sở TNMT và UBND quận Thủ Đức, vào sáng 8/10, khách hàng góp vốn kiến nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết quyền lợi của những người góp vốn tại dự án này. CBCNV cũng kiến nghị không chi tiền bồi thường dự án đường vành đai 2 cho Tranimexco, mà phải chi trả trực tiếp cho những người góp vốn. Bởi, Tranimexco chỉ là đơn vị đại diện cho CBCNV góp vốn.

Nguồn VNN-TT