VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Cơ hội và thách thức chờ đợi kinh tế Việt Nam năm 2017

Ngày mai (28/12), Chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu cuộc họp thường kỳ cuối cùng trong năm bàn về kinh tế – xã hội, đồng thời Tổng cục Thống kê cũng công bố số liệu chính thức về sức khỏe nền kinh tế năm qua. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam năm nay chỉ tăng 6%, thấp hơn so với ước tính năm ngoái (6,7%). Đây cũng là dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 9.

Sự giảm sút này phản ánh ảnh hưởng từ đợt hạn hán nghiêm trọng nhất gần 100 năm qua. Và dù tăng trưởng có thể bật trở lại, Capital Economics cho rằng Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều rủi ro từ chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại.

Tín dụng tư nhân đang tăng với tốc độ gần 20% năm nay. Trong một thông báo gửi khách hàng tuần trước, nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á – Gareth Leather nhận định “sự bùng nổ tín dụng với quy mô như ở Việt Nam là không bền vững trong ngắn hạn”. Ông cũng cho rằng một đợt bùng phát nợ xấu nữa là “khó tránh khỏi”. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng được đánh giá chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc Vinashin năm 2011.

tien

Ngành ngân hàng Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp khó năm tới. Ảnh: AQ

Một rủi ro khác là xuất khẩu Việt Nam tăng trung bình 12-14% giai đoạn 2000 – 2016. Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2016, con số này chỉ là 7,5%, Credit Suisse cho biết. Sức tăng trưởng được kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang lung lay, do Tổng thống đắc cử của Mỹ – Donald Trump dọa rút khỏi hiệp định này.

Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhất từ TPP nhưng cũng là bên chịu thiệt nhiều nhất nếu Mỹ rút khỏi hiệp định. “Vì Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, chúng ta cần theo dõi chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ làm gì”, Attila Vajda – Giám đốc hãng tư vấn Project Asia Research and Consulting tại TP HCM cho biết.

Theo nhà kinh tế khu vực châu Á tại Credit Suisse – Deepali Bhargava, việc Mỹ chuyển hướng chính sách sẽ gây ra 3 rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Một là tiền đồng có thể mất giá 4-5% năm tới. Thứ hai, thương mại toàn cầu đi xuống sẽ đè nặng lên thương mại của Việt Nam. Cuối cùng là cải cách bị trì hoãn do TPP bất thành.

Dù vậy, cả Capital Economics và Credit Suisse đều cho rằng 2017 sẽ vẫn là năm mà kinh tế Việt Nam giữ được nền tảng vững chắc.Capital Economics dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 vào khoảng 7%. Credit Suisse cho rằng con số này là 6,2%. Trong báo cáo của cả ADB và WB, tốc độ năm 2017 cũng cao hơn, với 6,3%.

“Tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân tăng tốc do thu nhập từ nông nghiệp phục hồi sẽ bù đắp lại chi tiêu công yếu và tăng trưởng tín dụng giảm sút”, Bhargava cho biết.

Trên Forbes, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá ngày càng giống Trung Quốc, nhưng theo mặt tích cực. Cấu trúc dân số tương tự, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và nền kinh tế dần mở cửa với đầu tư nước ngoài đang làm tăng nhu cầu bất động sản tại đô thị. Năm nay, đầu tư vào bất động sản đã tăng 12% so với năm ngoái, nhờ thị trường ngày càng minh bạch và GDP được dự báo tăng 6%.

Forbes nhận xét địa ốc Việt Nam đang trong xu hướng đi lên với tốc độ ổn định hơn. Trong báo cáo Xu hướng Bất động sản Các thị trường mới nổi châu Á – Thái Bình Dương của PwC và Urban Land Institute, Việt Nam còn được nhận xét là đang trong tầm ngắm của gần như tất cả nhà đầu tư lớn trong khu vực và có lẽ là điểm đầu tư bất động sản hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Cũng trong báo cáo này, TP HCM đứng thứ 4 trong 22 thành phố được khảo sát về địa điểm có triển vọng đầu tư nhất năm 2017.

Với thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư cũng cho rằng cổ phiếu Việt Nam đang có giá cao hơn nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên việc này diễn ra trong 2 năm qua, và giá còn có khả năng tăng nữa.

Chủ tịch Dragon Capital – ông Dominic Scriven cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển: “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ vào khoảng 19% năm tới”, khi GDP tăng lên và lạm phát ổn định.ck

Hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của các cổ phiếu trong chỉ số Vn-Index hiện vào khoảng 15,9. Con số này của chỉ số MSCI Đông Nam Á là 14,7. Vn-Index tăng 15% năm nay đã giúp chỉ số này vượt trội so với MSCI Các thị trường sơ khai và MSCI Đông Nam Á.

Vajda nhận định mức tăng mạnh năm nay là nhờ “kinh tế vĩ mô tốt, ổn định chính trị trong bối cảnh các nước trong khu vực có sự biến đổi về chính trị và điều kiện kinh tế khó khăn”.

Nhiều nhà kinh tế đã dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, do hưởng lợi từ ngành sản xuất phát triển nhiều năm qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh đã giúp VN-Index lên đỉnh 8 năm ngày 19/10.

Năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng GDP 6,7% – nhanh nhất từ năm 2007. Lợi nhuận của các công ty trong VN-Index được dự báo tăng 23% trong 12 tháng tới, số liệu từ Bloomberg cho biết.

Dù vậy, Andy Ho – Giám đốc đầu tư VinaCapital cho rằng thị trường vẫn gặp “rào cản về thanh khoản”. Ông gợi ý Chính phủ nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng, để tăng thanh khoản. Năm ngoái, Việt Nam đã cho phép một số ngành nâng tỷ lệ này từ 49% lên 100%. Tuy nhiên, trần sở hữu với ngành ngân hàng vẫn là 30%.

Ông Ho cho rằng đây là “thời điểm tuyệt vời” để đầu tư vào Việt Nam, do Chính phủ đang tăng tốc thoái vốn tại các công ty lớn. Chính phủ đang lên kế hoạch bán cổ phần tại các doanh nghiệp như Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) năm tới. Việc này đã khiến nhà đầu tư thêm hào hứng. “Có nhiều công ty thực sự tốt mà Chính phủ đang cho phép nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào”, ông cho biết.

Vajda thì cho rằng việc Chính phủ khuyến khích các công ty niêm yết cũng khiến thị trường “thú vị hơn”. Một số công ty lớn sắp lên sàn là Vietnam Airlines và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). “Những đợt niêm yết mới này sẽ tạo ra sức hấp dẫn, giúp chỉ số tăng lên, nếu không có cú sốc thương mại nào từ chính sách bảo hộ của Mỹ”, Vajda kết luận

Theo….