VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

“Cơn địa chấn” bất động sản mang tên đất công

Những ngày qua, thị trường bất động sản (BĐS) cả nước nói chung, TPHCM nói riêng “rúng động” bởi đề xuất của Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án nhà ở có nguồn gốc từ đất công không qua đấu giá… 
Khách hàng lo lắng liệu có thể xảy ra hàng loạt sự cố “rủi ro” như buộc phải đóng thêm tiền, dự án dừng thi công, trễ hạn thời gian nhận nhà…

Trấn an khách hàng

Hàng loạt dự án với hàng ngàn căn hộ nằm gần sân bay của doanh nghiệp V. có tên trong danh sách đề xuất thanh tra trở thành tâm bão của thị trường. Anh H., một khách hàng bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để sở hữu căn hộ mặt tiền công viên cho biết, dù ngày nhận nhà rất gần, nhưng anh đang rất lo lắng, thường xuyên gọi điện đến công ty để tìm hiểu liệu có xảy ra sự cố gì không. “Trước khi bỏ tiền mua căn hộ, qua nghiên cứu pháp lý của dự án, tôi nhận thấy đáp ứng các quy định bán nhà hình thành trong tương lai, đâu có biết nội tình như thế nào đâu. Nếu xảy ra sự cố gì thật đáng ngại, vì tôi phải vay tiền khá nhiều để mua căn hộ này”, anh H. nói.

Đại diện doanh nghiệp V. cho biết, từ khi có thông tin kiến nghị thanh tra các dự án do công ty làm chủ đầu tư, khách hàng gọi đến rất nhiều, lo lắng phải đóng thêm tiền, dự án dừng thi công! “Để trấn an khách hàng, chúng tôi phải làm văn bản thông báo tình hình các dự án trên trang web của công ty; nêu rõ tiến độ của các dự án đang triển khai, như nghĩa vụ tài chính, tình hình pháp lý, tiến độ xây dựng… Trong suốt quá trình hoạt động của mình, công ty luôn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu và quy định của pháp luật trong việc đầu tư và phát triển dự án. Đối với khách hàng, luôn đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ thi công theo đúng cam kết”, đại diện công ty V. nói.
“Cơn địa chấn” bất động sản mang tên đất công ảnh 1 Dự án tại số 8 Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TPHCM – một trong 60 dự án Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ thanh tra  Ảnh: CAO THĂNG
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với một dự án tại quận 4. Đây là dự án đầu tay của chủ đầu tư này thực hiện. Một phần các căn hộ của dự án bán cho quận phục vụ tái định cư, một số ít căn hộ bán ra thị trường, nhưng sự cố này khiến chủ đầu tư cũng “cháy máy điện thoại” vì khách hàng gọi đến. Trong khi đó, một doanh nghiệp BĐS khá lớn tại TPHCM mặc dù không có dự án nào nằm trong danh sách kiến nghị thanh tra của Bộ Tài chính, nhưng không vì thế mà “kê cao gối ngủ”, vì khách hàng cũng gọi điện thăm dò liên tục. Bởi hầu hết các dự án của công ty có nguồn gốc từ đất công, thông qua mua lại dự án hoặc mua cổ phần, liên kết.
Lãnh đạo Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) cho biết, sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản, Horea đã thường xuyên nhận cuộc gọi của các doanh nghiệp, có cuộc gọi vào lúc giữa đêm khuya vì họ lo việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, trong 2 năm trở lại đây, có đến 100 dự án nhà ở có nguồn gốc từ đất công không qua đấu giá. Có những dự án có quy mô lên đến vài chục hécta ở trung tâm TP, đã bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng…
Horea “đính chính” vì ngại dự án ngưng thi công

Sau khi nhận hàng loạt phản ánh của khách hàng, của các doanh nghiệp là thành viên, ngày 11-5, Horea đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành…, trong đó có đề xuất không ngừng thi công dự án. Tuy nhiên, sau đó một ngày, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea lại tiếp tục có văn bản kiến nghị “bổ sung” và giải thích: Do quan ngại trước kiến nghị của Bộ Tài chính về việc tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá.

Từ đó, Horea mới “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án”. Việc này sẽ tạo cho các chủ đầu tư yên tâm triển khai thực hiện dự án, trong khi chờ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Một vấn đề khác cũng liên quan đến đất công, đó là Bộ Tài chính đang soạn thảo quyết định thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Một doanh nghiệp BĐS cho biết, mới đây, khi liên hệ với các cơ quan chức năng tại TPHCM để thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án nhà ở, thì nhận được câu trả lời: những dự án BĐS liên quan đến đất công mà chưa đóng tiền sử dụng đất phải dừng lại chờ dự thảo hoàn tất của Bộ Tài chính. “Việc rà soát và định giá lại tài sản của Nhà nước là đúng đắn, nhưng khi doanh nghiệp bắt tay thực hiện dự án cũng dựa trên chính sách của Nhà nước. Chúng tôi đã bỏ khá nhiều tiền và cả “tiền vay bạc mượn” để làm các thủ tục pháp lý, mua thương quyền. Nếu dự án bị khựng lại, kéo dài sẽ tốn thêm nhiều chi phí lãi vay, mất cơ hội triển khai dự án sớm… gây thiệt thòi không hề nhỏ”, doanh nghiệp này cho biết.
Trước “cơn địa chấn” này, một chuyên gia BĐS nhận xét: “Cơ quan Nhà nước cần có văn bản giải thích cụ thể để giải tỏa sự lo lắng cho người mua nhà, tạo sự ổn định phát triển cho thị trường BĐS”.

Nguồn SGGP-TT