– Mỹ Đình đang hình thành cộng đồng Nhật Bản – Hàn Quốc mới, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài từ hai quốc gia này vào Hà Nội tăng mạnh.
Hà Nội – điểm đến thu hút mới của dòng vốn FDI
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng giá trị góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2018 ước đạt 9,89 tỉ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỉ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp là hàng nghìn nhân sự cao cấp đến Việt Nam làm việc và sinh sống. Họ đa phần là những nhà quản lý, chuyên gia, cố vấn của các tập đoàn đa quốc gia, các nhà tư vấn đến làm việc theo hợp đồng ở Việt Nam, nhân viên các dự án viện trợ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2008 đến nay số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng trung bình 8%/năm.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy mạnh vào Hà Nội là cơ sở làm sáng lên thị trường căn hộ cao cấp cho thuê trong vài năm tới.
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản của Colliers International 2018 cũng chỉ ra rằng: Hà Nội – Thủ đô của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng của một điểm đến đầu tư thuận lợi cho các tập đoàn đa quốc gia, đại sứ quán và các tổ chức quốc tế.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, đến thời điểm cuối năm 2018, đầu tư nước ngoài khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch cả năm, vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, lượng đầu tư từ Nhật Bản chiếm 29%.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy mạnh vào Hà Nội là cơ sở làm sáng lên thị trường căn hộ cao cấp cho thuê trong vài năm tới. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam, tình hình cho thuê của phân khúc căn hộ dịch vụ cũng thường đạt mức cao ổn định, từ 80-85%. Đáng chú ý, công suất cho thuê bình quân của thị trường có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, có khi vượt mức 90%, báo hiệu sự tăng trưởng tốt với tiềm năng lớn trong tương lai.
Theo báo cáo quý IV năm 2018 của Savills, thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội ghi nhận sự tăng điểm nhờ vào nhu cầu lớn từ khách hàng trong và ngoài nước. Giá thuê trung bình đạt 25 USD/m²/tháng, tăng 5% theo năm. Trong khi đó, công suất trung bình ổn định tại 86%. Thị trường căn hộ cho thuê hoạt động tốt với tỷ lệ lấp đầy ổn định trên tất cả các phân khúc.
Cộng đồng Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng “chuộng” Mỹ Đình
Trong 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký 61,08 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ 2 với 55,84 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông…
Theo Savills, số lượng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã tăng gần 50 lần trong vòng chưa đến một thập kỷ qua, ước chừng 100.000 người. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là hai thành phố tập trung số lượng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc lớn nhất cả nước.
Làn sóng cư dân từ các quốc gia Đông Bắc Á tới sinh sống và làm việc tại Thủ đô ngày càng có chiều hướng gia tăng đã đẩy nhu cầu thuê và sở hữu nhà ở tăng mạnh.
Về vị trí, trước đây người Nhật thường tập trung nhiều ở khu vực Kim Mã, phố Linh Lang, Ðào Tấn (quận Ba Ðình), nơi có Trung tâm giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Đại sứ quán Nhật.
Từ vài năm trở lại đây, việc trường Đại học Việt-Nhật chính thức đi vào hoạt động cùng với nhiều công ty Nhật Bản đặt trụ sở tại Mỹ Đình đã làm gia tăng đáng kể số lượng doanh nhân, chuyên gia, giáo sư Nhật Bản tới thuê nhà tại khu vực này.
Sở hữu 3 căn hộ cho người Nhật thuê tại Mỹ Đình, chị Mai Hương (Hàm Nghi, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Gia đình tôi thu về từ 1.200 – 1.600 USD/tháng với mỗi căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 110m2. Căn duplex còn lại ở vị trí đẹp, nằm trong tổ hợp tiện ích đa dạng đem lại cho gia đình tôi nguồn thu 2.000 USD/tháng.”
Không chỉ riêng cộng đồng Nhật Bản, làn sóng người Hàn Quốc định cư tại Việt Nam cũng đang chảy mạnh về khu vực Mỹ Đình. Từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cộng đồng này tập trung nhiều ở khu vực Trung Hòa – Nhân Chính. Từ dọc đường Trần Duy Hưng, rẽ vào khu phố Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân là vô số nhà hàng, siêu thị, tới các tiệm tạp hoá cũng treo biển tiếng Hàn.
Ngoài các nhà hàng Hàn Quốc thì có khá nhiều siêu thị chuyên bán đủ thứ thực phẩm được nhập từ Hàn Quốc như mỳ tôm, cá hộp, bánh snack, có cả rượu Soju… Thậm chí ở đây có cả nhân viên phục vụ cũng biết tiếng Hàn và karaoke cũng có phiên bản tiếng Hàn.
Nếu như khu Trung Hoà – Nhân Chính tập hợp đủ mọi tầng lớp cư dân thì khu vực Mỹ Đình – Mễ Trì gần đây lại đang nổi lên là trung tâm mới của giới tri thức, trung thượng lưu Hàn Quốc. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách Hàn, tại hệ thống siêu thị trong các toà nhà khu vực này, nhân viên ở đây ai cũng biết tiếng Hàn, có thể giao tiếp với bất kỳ người khách nào. Các cửa hàng, quán ăn, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp ở đây cũng sang trọng và vắng vẻ hơn. Cuộc sống của khu vực này khá bình yên.
Là một chuyên gia làm việc cho Hyundai, anh Hur Yo Han đã sinh sống tại Việt Nam hơn 8 năm nay, anh cũng đã lập gia đình với 1 phụ nữ Việt Nam. Chia sẻ với chúng tôi, vợ chồng ông Hur Yo Han và chị Nguyễn Thị Anh Đào cho biết, trước đây anh chị thuê nhà tại khu vực Trung Hòa – Nhân Chính còn hiện nay đang thuê nhà tại một dự án căn hộ cao cấp ở Mỹ Đình.
Anh Hur Yo Han phân tích thêm: “Khi thuê nhà, chúng tôi thường chọn những căn hộ đầy đủ tiện nghi nhưng phải đảm bảo an ninh và riêng tư. Một đặc điểm tâm lý đáng chú ý nữa của người Hàn khi thuê nhà là họ không ngại thay đổi nơi ở đến các dự án mới hơn, có tiện ích đầy đủ hơn, đặc biệt là các dự án có sân vườn với giá thuê ở mức hợp lý hơn… Trong khi đó, Mỹ Đình là khu vực đô thị mới lại không quá xô bồ.”
Khu vực Mỹ Đình dù đang có sức hấp dẫn lớn nhưng nguồn cung căn hộ cao cấp còn hạn chế. Khi Trung tâm nghiên cứu của Samsung hoàn thiện và đi vào hoạt động cuối 2019, nhu cầu thuê hay mua nhà tại khu vực này sẽ tăng vọt. Đây cũng là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư căn hộ cho thuê thời gian tới./.