Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, bầu không khí yên bình của làng Murs ở miền Trung nước Pháp bị khuấy động khi hơn 100 nông dân đến từ khắp nước Pháp đã kéo đến làng này, chiếm đóng một khu đất canh tác mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua, để phản đối cái mà họ gọi là nạn đầu cơ đất đai ở Pháp.
Nông dân Pháp phản đối các chủ đất Trung Quốc tại làng Murs
Nỗi lo đầu cơ
Họ giương cao cờ của Liên đoàn Nông dân Pháp (FFC), rải hạt ngũ cốc xuống khu đất canh tác như là biểu tượng yêu cầu “trả lại đất cho nông dân”. Người phát ngôn của FFC Laurent Pinatel khẳng định: “Đất này phải được giao cho nông dân và để họ sản xuất lương thực”. Đồng thời, lên án những chủ đất đầu cơ, làm giàu trên đất của nông dân Pháp
Năm 2016, Hong Yang – một tập đoàn của Trung Quốc đã mua 1.700ha đất tại vùng này để trồng lúa mì xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tập đoàn này cũng đã mua 900ha đất tại tỉnh Allier. Không chỉ mua đất nông nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc còn nhắm tới việc tìm kiếm những vườn nho của Pháp khi mà một tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng thích rượu vang Pháp. Khoảng 140 trong tổng số 7.000 vườn nho ở Bordeaux đã được bán cho các nhà đầu tư đến từ châu Á mà đa phần là người Trung Quốc.
FFC đã gây sức ép lên Chính phủ Pháp, yêu cầu nhà chức trách phải hành động. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ thắt chặt, hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua các trang trại ở Pháp. Luật Nông nghiệp mới cũng đang được soạn thảo và dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm 2019.
Theo số liệu của một số viện nghiên cứu Mỹ được công bố đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp ở nước ngoài tính từ năm 2010 đã lên đến ít nhất hơn 80 tỷ USD. Trước đây, các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu nhắm đến Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi, nhưng vài năm trở lại đây, họ chuyển sang mua đất ngày càng nhiều ở Mỹ, Australia và Pháp.
Tại Australia, đầu tháng 2 năm nay, chính phủ nước này đã thông báo những quy định mới áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua đất nông nghiệp. Các thông báo được đưa ra trong bối cảnh mối lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài. Trong một chiến dịch quy mô lớn, Australia đã ép các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, bán lại số điền sản trị giá 134 triệu USD để bảo vệ những lợi ích kinh tế và an ninh. Theo Chính phủ Australia, lợi ích kinh tế trước mắt có thể lớn nhưng vẫn phải tính đến những hệ quả an ninh và trật tự xã hội khó lường trong lâu dài.
Ít rủi ro hơn
Các nhà quan sát cho biết, phong trào mua đất nông nghiệp đã rộ lên vào khoảng năm 2008, với cuộc khủng hoảng giá nông sản và việc đóng cửa một số thị trường xuất khẩu. Khi ấy, Trung Quốc và một số nước vùng Vịnh đã nhận thấy phải đi mua đất nông nghiệp ở nơi khác để trồng trọt và chuyển sản phẩm trở lại nước mình, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng lương thực. Ngoài ra, dù chiếm 1/5 dân số toàn thế giới nhưng Trung Quốc lại chỉ sở hữu chưa đến 10% diện tích đất canh tác của cả hành tinh. Do đó, trong những năm gần đây các doanh nghiệp nước này đã và đang đẩy mạnh công tác mua đất nông nghiệp ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực khổng lồ của người dân.
Theo một nhóm chuyên gia Land Matrix nghiên cứu việc mua đất nông nghiệp, trên thế giới đã có hơn 42,4 triệu hécta nằm trong hợp đồng của các nhà đầu tư nước ngoài và phân nửa đất mua là ở châu Phi (22,9 triệu hécta). Thế nhưng, từ hơn 10 năm nay, theo ông Ward Anseeus – một nhà nghiên cứu của viện Cirad ở Pretoria (Nam Phi), toàn bộ số đất nói trên chỉ có 6% được khai thác tốt và chỉ 4% ở châu Phi. Phần lớn còn lại bị phá sản và các nhà đầu tư đã mất rất nhiều tiền. Theo ông Ward Anseeus, hệ quả rất rõ ràng: “Sau 3 hay 5 năm bế tắc, rõ ràng là việc mua đất ở châu Âu hay Mỹ, tuy giá có đắt hơn, nhưng có lợi hơn, với hạ tầng cơ sở tốt và nhất là bảo đảm có nước để sử dụng”. Trong khi đó, chuyên gia Devlin Kuyek thuộc Tổ chức phi Chính phủ Grain, tại Montreal (Canada), giải thích giới đầu tư vào đất nông nghiệp hiện chủ trương chọn những nơi ít rủi ro hơn, với quyền sở hữu được bảo đảm và quay sang Australia, Mỹ hay châu Âu.
Nhưng việc mua đất ồ ạt của nhà đầu tư Trung Quốc khiến nhiều nước thực sự lo lắng. Báo La Croix của Pháp cho rằng, việc Trung Quốc mua đất canh tác ở Pháp gây lo ngại bởi đe dọa khả năng tự túc lương thực của Pháp. Ngoài ra, còn là cách làm ăn của các nhà đầu tư Trung Quốc. Đầu tiên là họ đem máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc sang. Thứ hai, họ canh tác theo kiểu “chủ – thợ” đem người lao động từ nơi khác (chủ yếu là Trung Quốc) đến. Cuối cùng là xuất khẩu lúa mì vượt ngoài khuôn khổ của hợp tác xã nông nghiệp địa phương, phá hủy ngành công nghiệp chế biến nông phẩm trong vùng .
Chính phủ Australia đã nhìn thấy những mối nguy tiềm tàng, trong đó có vấn đề an ninh, lợi ích quốc gia, nên năm 2015 đã ra lệnh cấm bán một trang trại lớn nhất nước cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Dự án bị cấm lần này liên quan đến Công ty S. Kidman & Co, được thành lập từ năm 1899. Tập đoàn này là nhà chăn nuôi lớn nhất Australia với 185.000 đầu gia súc và sở hữu 2,5% diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Theo báo chí Australia, đế chế nông nghiệp này của Australia được 2 tập đoàn Trung Quốc Genius Link Group và Shanghai Pengxin ngấp nghé trả giá khoảng gần 300 triệu USD.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison đã tuyên bố: “Theo khuyến cáo của Hội đồng Thẩm định đầu tư nước ngoài, tôi quyết định việc nhượng lại Công ty S. Kidman & Co cho các nhà đầu tư nước ngoài là đi ngược lại lợi ích quốc gia và tôi sẽ không cho phép việc mua bán này thực hiện trong điều kiện hiện nay”. Đồng thời, cũng giải thích thêm: “Australia đón tiếp đầu tư nước ngoài khi đầu tư này hài hòa với lợi ích quốc gia của chúng ta”.
Giờ đây, theo các quy định của Chính phủ Australia, một người nước ngoài muốn mua một diện tích đất có giá trị trên 15 triệu AUD (gần 11 triệu USD) phải nộp hồ sơ lên cấp quản lý và hồ sơ có thể bị bác. Ngưỡng này trước đó quy định là 252 triệu AUD (khoảng 181 triệu USD). Hiện Chính phủ Australia đã quan tâm kiểm soát gắt gao các thương vụ đầu tư nước ngoài vào đất đai nông nghiệp của nước này do những lo ngại của dư luận trước đó. Đa số người dân Australia nhận định chính phủ đã quá dễ dãi để nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào quá lớn.