Việc hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam sẽ đem đến cơ hội cho các DN Việt chứng minh năng lực. Tuy nhiên, không thể coi đó là ‘miếng bánh’ để chia chác biếu xén.
Thông tin hủy đấu thầu quốc tế với “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam (gồm 8 dự án PPP) được Bộ GTVT phát đi ngày 24/9.
Cao tốc Bắc – Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quyết định này đến từ việc cân nhắc 2 yếu tố: Vấn đề an ninh quốc phòng của tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam và việc các nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá quan tâm (đến nay chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm).
Nhiều độc giả gửi ý kiến tới VietNamNet bày tỏ sự vui mừng…
Bạn đọc Đỗ Mạnh Thắng cho rằng, đây là tin tốt nhằm nâng cao năng lực các DN trong nước. Bộ đã thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, DN.
“Bộ GTVT có quyết định sáng suốt. Nhà thầu trong nước có thể thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, làm như vậy sẽ tốt hơn”, bạn Bình chung quan điểm.
Trăn trở
Bạn đọc Linh Đoan ủng hộ quyết định của Bộ GTVT nhưng vẫn trăn trở, chúng ta cần để ý đến nhà thầu Việt Nam uy tín, đủ năng lực và phải có ràng buộc rõ ràng kẻo mấy anh thầu Việt Nam bắt tay với nước ngoài thì… như nhau.
“Đã quyết định hủy đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu trong nước thì phải làm đúng như vậy. Tuyệt đối không để bất cứ nhà thầu ngoại quốc nào lọt vào công trình dưới bất cứ chiêu trò nào” – bạn đọc Vương Tôn nêu quan điểm.
Bạn đọc Đức Trần thì cho rằng, cách làm này của Bộ GTVT sẽ là cơ hội để các nhà thầu trong nước chứng tỏ năng lực của mình đồng thời có thêm kinh nghiệm, năng lực để tham gia các công trình mang tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và nghiêm ngặt về chất lượng, Bộ GTVT cần thuê thiết kế, tư vấn giám sát là những nhà thầu chuyên nghiệp, có kinh nghiệm làm cao tốc, có thể là của nước ngoài…
Bạn đọc Nguyễn Văn Quy bày tỏ: “Nhiều nhà thầu trong nước sẽ làm được, các nhà thầu hợp tác lại mỗi người làm một đoạn. Ngoại tệ sẽ không bị chảy ra nước ngoài.
Tuy nhiên, DN cũng cần thấy rằng, dự án này là thể diện quốc gia, thể diện của DN Việt Nam, không thể coi đó là ‘miếng bánh’ để rồi chia chác biếu xén”.
Thứ trưởng nêu lý do hủy đấu thầu quốc tế
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết hàng loạt lý do để hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam.
Trong số 8 dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP, có tới 4 dự án không có nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước qua sơ tuyển. 2 dự án có 1 nhà đầu tư, 2 dự án còn lại cũng không thu hút được nhà đầu tư. Như vậy sự cạnh tranh không cao, có thể các nhà thầu quốc tế cũng không mặn mà.
Thứ hai, tiếp thu các góp ý về phát triển nội lực của DN, nhà đầu tư trong nước cũng như khả năng huy động vốn trong nước nên đã quyết định đấu thầu chọn nhà đầu tư trong nước.
Thứ 3 là để ổn định lâu dài, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng thì phải chú trọng nhà đầu tư trong nước.
Chọn nhà đầu tư trong nước thế nào?
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư – PPP (Bộ GTVT) thông tin thêm, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước về mặt trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đều như nhau. Chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án cao tốc Bắc – Nam.
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10 và sẽ hoàn thành sơ tuyển trong tháng 1/2020. Khoảng tháng 2/2020, Bộ GTVT bắt đầu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nếu đấu thầu thành công, tháng 6/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tiên theo hình thức PPP.
Ông Huy cũng cho biết thêm, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH-ĐT xem xét lại tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, từ đó làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án.
Về năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông khẳng định, Bộ GTVT sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định của Nghị quyết 20 của Chính phủ. Theo đó, nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, ngoài yếu tố đảm bảo an ninh quốc phòng, việc chỉ đấu thầu trong nước sẽ tạo điều kiện phát huy nội lực DN nội.
Tuy nhiên, dự án có tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ như cao tốc Bắc – Nam đòi hỏi các DN trong nước phải liên danh hợp tác thì mới có thể làm được.
“Hiện nay các DN chuyên xây lắp giao thông đa số không đủ năng lực để đấu thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam. Do vậy nếu các DN này liên danh với các DN có năng lực tài chính thì sẽ khả thi hơn”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng nhìn nhận, tiền trong dân rất lớn, nhưng để thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, Nhà nước cần có chính sách thu hút đảm bảo công khai minh bạch, đem lại mức lợi nhuận phù hợp.
Nguồn tintuc.vn-TT