VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Đổi đất lấy hạ tầng: Lỗi kép, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

 – Thời gian qua, các dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” bộc lộ nhiều bất cập. Đây được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng.

Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là BT hay đổi đất lấy hạ tầng), một hình thức của đối tác công tư (PPP) giúp làm giảm gánh nặng ngân sách của nhà nước (NSNN).

So với dự án BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao), dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán và cũng ít thông tin hơn về những dự án này. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này có thể mang lại những khoản sinh lời vô cùng lớn từ việc sở hữu những mảnh đất đắc địa nên dễ bị bóp méo, biến tướng.

Phát hiện hàng loạt sai phạm

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay với tổng giá trị kiểm toán hơn 35.000 tỷ đồng, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng. Bình quân kiến nghị xử lý 12,7% trong tổng giá trị kiểm toán.

Ví dụ điển hình được KTNN chỉ ra đó là Dự án xây dựng Khu công viên và Hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch (thuộc quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự án này đối ứng với khu chức năng đô thị Thành phố Xanh quận Nam Từ Liêm, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Hồng Ngân (nay là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng). Trong đó, KTNN kiến nghị xử lý 84 tỷ 798 triệu đồng trên tổng giá trị kiểm toán là 313 tỷ 969 triệu đồng. Tỷ lệ phát hiện xử lý tài chính là 27%.

Trong đó, 2 nguyên nhân chính là do: ký hợp đồng BT theo tổng mức đầu tư được duyệt cao hơn tổng mức dự toán được duyệt, làm tăng giá trị hợp đồng BT không đúng quy định gần 52 tỷ đồng; tính lãi vay ngân hàng không đúng 31 tỷ 584 triệu đồng.

Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án BT bị phát hiện sai phạm về chất lượng công trình, chi phí cao gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN) như: dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội quy định không rõ ràng thời điểm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách làm tăng chi phí lãi vay trong phương án tài chính. Qua kiểm toán, xác định chi phí lãi vay giảm 131,43 tỷ đồng; Dự án Đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, (tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ 36,79 tỷ đồng)…

Nhà nước “thiệt đơn, thiệt kép”

Theo các chuyên gia, việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo lỗ hổng gây thất thoát ngân sách nhà nước. Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, thanh toán cho nhà đầu tư thông qua hình thức giao đất, không thông qua đấu giá.

Kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017 thì có tới 16 dự án đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và hầu hết các dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.

doi dat lay ha tang dang loi kep nen that thoat hang nghin ty dong hinh 2   Khu đô thị Gamuda City được đối ứng sau khi Gamuda Land thi công xây dựng Nhà máy nước Yên Sở (Ảnh minh họa: KT)

Tại không ít địa phương, chính quyền đã phải đổi quyền sử dụng một lượng lớn đất (do giá trị đất không đủ cao) để có được một công trình không lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế. Điển hình như Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội), để có công trình dài chỉ 3,5km theo hình thức BT, chính quyền địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70 hecta cho nhà đầu tư.

Hay việc nhà nước đổi đất giá rẻ lấy công trình giá cao. Do không có quy định chi tiết về định giá đất lại giao cho nhà đầu tư lập dự toán nên nhà đầu tư (NĐT thường định giá công trình xây dựng của họ khống lên, còn giá phần đất họ được hưởng lại rất thấp.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Hòa, PGĐ Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, dự án BT về bản chất là một giao dịch mua sắm công với điều kiện thanh toán chậm hay thanh toán sau. Mặc dù là hoạt động mua – bán nhưng lại không theo cơ chế thị trường, bởi bên mua – Nhà nước không có sản phẩm cùng loại để có điều kiện lựa chọn và bên bán không có ai để phải cạnh tranh trực tiếp trong chào giá cạnh tranh mà lâu nay hầu như chỉ “một mình một chợ”.

Còn về giá cả đối với bên bán, sẽ không thể có giá bán thị trường bởi nó được xác định theo quy trình dự toán và quyết toán của một dự án đầu tư, vốn rất phức tạp để xác định, lại dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường, do đó, con số cuối cùng luôn luôn phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phê duyệt.

“Đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực tham nhũng”, PGS Nguyễn Đình Hòa chỉ rõ.

Hình thức đổi đất lấy hạ tầng không minh bạch đang khiến nhà nước “thiệt đơn, thiệt kép” do rủi ro thất thoát trong dự án BT là rủi ro kép, Nhà nước có thể tổn thất 2 lần.

“Phương án tài chính (Giá trị dự án BT) không được công khai, minh bạch và đấu thầu, do đó không xác định được chi phí đầu tư của “vật ngang giá”. Thông thường mức đầu tư được NĐT kê khai cao hơn rất nhiều so với thực tế. Thứ hai, đất đưa ra trao đổi không được xác định công khai minh bạch theo cơ chế thị trường, do đó “vật trao đổi” thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều”, PGS Nguyễn Đình Hòa phân tích.

Do đó, như một hệ lụy tất yếu, thất thoát trong dự án BT sẽ là thất thoát kép: Thất thoát từ đất đai do việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán tại thời điểm ký hợp đồng BT là không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Và thất thoát từ hàng hóa “cơ sở hạ tầng” mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh cho nên không phản ánh theo giá thị trường./.

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa – Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990. Từ kinh nghiệm đổi đất lấy hạ tầng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều địa phương khác đã đua nhau áp dụng như Quảng Ninh, Hà Tây (cũ)… Sau đó, Nhà nước đưa ra quy định “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng” tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (1998).

Đến năm 2004, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP đã chính thức khai tử cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” bằng quy định thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tuy nhiên, đến 2007, một số nhà đầu tư đã đề xuất dự án BT (xây dựng – chuyển giao) mà Nhà nước trả bằng đất đã được Ủy ban nhân dân (UBND) một số tỉnh chấp thuận và phê duyệt. Dự án BT chỉ là “bình mới rượu cũ” của cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”.

Nguồn VOV.VN-TT