VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Vấn đề đáng quan tâm đằng sau câu chuyện di dời ga Hà Nội là cách chúng ta quản trị tài sản và đất công ra sao ở những chỗ “tranh tối tranh sáng”.
Xung quanh đề xuất di dời  Ga Hà Nội đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR. Mời quí vị độc giả tham khảo và tranh luận thêm.
Mới đây, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã đề nghị di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Ông nhấn mạnh, đây là giải pháp để giảm thiểu ách tắc giao thông và đảm bảo an toàn cho đường phố. Đây là lần thứ hai công an Hà Nội có đề nghị như vậy trong vòng hai năm. Hiển nhiên, với một địa điểm lịch sử trên 100 năm tuổi và hình ảnh gắn liền với thủ đô, đề xuất trên đang được du luận đón nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Những người phản đối, bao gồm cả Tổng công ty Đường sắt và Bộ giao thông, cho rằng Ga Hà Nội là điểm kết nối giao thông nội đô quan trọng, là đầu mối trung chuyển cho quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030 đã được thủ tướng phê duyệt, nên không thể muốn chuyển là chuyển ngay được. Thêm vào đó, chi phí di dời, bao gồm cả việc thay đổi, sửa chữa cơ sở hạ tầng, sẽ rất lớn.
 Vấn đề đáng quan tâm đằng sau câu chuyện di dời ga Hà Nội là cách chúng ta quản trị tài sản và đất công ra sao ở những chỗ “tranh tối tranh sáng”. Ảnh minh họa: Infonet.
Những ai đã từng sử dụng dịch vụ ga trung tâm ở Châu Âu như Berlin Hauptbahnhof (Berlin), St Pancras (London), hay Gare Du Nord (Paris) có lẽ sẽ không đồng ý với nhận định của phía Công an Hà Nội, cho rằng trên thế giới ít có thành phố nào có đường sắt liên tỉnh trong nội thành. Những nhà ga nói trên thậm chí còn có nhiều tuyến đường quốc tế hết sức nhộn nhịp.
Tất nhiên, việc “ở Tây nó thế” không phải là luận cứ thuyết phục cho một vấn đề chính sách. Câu chuyện di dời hay không Ga Hà Nội sẽ phải tính đến chi phí – lợi ích cho toàn xã hội, và nếu thực sự cân nhắc, sẽ phải có nghiên cứu dựa trên bằng chứng để đưa ra quyết định.
Mặc dù quan điểm cá nhân của tôi là ủng hộ việc giữ lại Ga Hà Nội, ở đây tôi sẽ thử giả định là sau khi cân nhắc, Ga được quyết định phải dời ra khỏi nội đô thật. Câu chuyện tiếp theo sẽ là gì?
Khi đó, mấu chốt sẽ là việc sử dụng khoảng đất vàng bỏ lại như thế nào. Toàn bộ diện tích của Ga Hà Nội rơi vào khoảng 21 ha (210 nghìn m2), và nếu tính theo giá trị dựa trên giá đất xung quanh đó, khu đất này sẽ có giá không ít hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Đây rõ ràng là miếng mồi béo bở cho bất kì ông chủ bất động sản nào.
Mặc dù chính quyền thành phố luôn khẳng định sẽ phát triển khu vực ga trở thành “khu trung tâm công cộng dịch vụ – văn hóa”, nhưng mối lo ngại về một khu thương mại – văn phòng mọc lên sau khi Ga Hà Nội di dời, không phải là không thể xảy ra vì đã có những mảnh đất, thay vì biến thành “khu vực công cộng” như dân mong đợi, lại trở thành những cao ốc nghìn tỷ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư.
Chính vì thế, vấn đề đáng quan tâm đằng sau câu chuyện di dời ga Hà Nội là cách chúng ta quản trị tài sản và đất công ra sao ở những chỗ “tranh tối tranh sáng” như vậy.
Đây là vấn đề hệ trọng, vì cùng với quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tất yếu sẽ có xu hướng các cá nhân lợi dụng chủ trương này để trục lợi, gây thất thoát tài sản của nhân dân do nhà nước làm đại diện quản lý. Năm ngoái, đã có không ít tai tiếng xung quanh việc đại gia thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) để nhăm nhe đất vàng.
Nhìn rộng ra, đó không chỉ là chuyện của ga Hà Nội. Bốn bến xe trong nội đô, Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm và Mỹ Đình, cũng đang được quy hoạch để di dời từ sau năm 2020. Diện tích khổng lồ của những khu vực này, cộng với giá trị thị trường mà nó mang lại, sẽ khiến đây trở thành “quả táo bất hoà” cho cuộc tranh đấu giữa lợi ích xã hội và chủ nghĩa thân hữu.
Làn sóng tẩu tán tài sản nhà nước, một tác dụng phụ của quá trình cổ phần hoá, đã diễn ra rải rác trong giai đoạn vừa qua. Nhưng khi chính phủ đẩy mạnh cải cách vì một nhà nước kiến tạo phát triển, số lượng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chắc chắn sẽ tăng lên, đi kèm với đó là nguy cơ thất thoát tài sản công ngày càng lớn. Hiện tượng này đã từng diễn ra ở những nước chuyển đổi như Nga và Đông Âu cũ, và cũng đã xảy ra ở nước láng giềng Trung Quốc. Cơ quan chức năng sẽ cần phải có những quy định pháp quy cụ thể để hạn chế hiện tượng đó.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội vào tháng 7 vừa qua là bước đi cần thiết, thế nhưng nó mới chỉ tạo ra bộ khung pháp lý cơ bản. Chúng ta sẽ còn cần phải có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể đi kèm nhằm đảm bảo Luật được thực hiện nghiêm chỉnh. Trước khi điều đó xảy ra, tôi cho rằng cần gác lại những đề xuất như di dời Ga Hà Nội, để tránh nguy cơ xâu xé tài sản công và làm mất đi niềm tin của người dân về năng lực quản lý của chính quyền.
Nguồn VNN-TT