Sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam những năm qua chính là động lực quan trọng đối với sự phát triển của thị trường BĐS trong dài hạn. Cụ thể, theo TS Bùi Quang Tín – Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, bức tranh thị trường thể hiện rõ sự lạc quan ở nhiều yếu tố, xuất phát từ các điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, như tăng trưởng kinh tế hàng năm tốt, lãi suất ổn định theo xu hướng giảm và sự thay đổi tích cực từ chính thị trường BĐS để phù hợp hơn với khẩu vị người mua.
Bên cạnh đó, tình trạng lệch pha cung – cầu trên thị trường BĐS đang giảm dần, các chủ đầu tư đã hướng đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền người mua nhà. Thay vì đầu tư dàn trải, chưa nhắm đến nhu cầu thực như trước đây, các DN BĐS đã quan tâm nhiều hơn đến thiết kế, công năng sử dụng và các dịch vụ, tiện ích bao quanh dự án. Các ngân hàng cũng khuyến khích cung thêm vốn cho cá nhân vay mua nhà ở phân khúc căn hộ có mức giá trung bình.
“Nhìn về triển vọng, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và các yếu tố kinh tế vĩ mô tiếp tục hỗ trợ thị trường BĐS. Dự báo từ nay đến hết năm 2017 và năm 2018, các phân khúc thị trường BĐS cũng sẽ tiếp tục sôi động hơn” – ông Bùi Quang Tín nhận định, đồng thời cho rằng, thị trường BĐS tăng trưởng ổn định và bền vững. Cổ phiếu BĐS vì thế được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm, đặc biệt là cổ phiếu của những DN có uy tín, chất lượng sản phẩm tốt.
Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc Môi giới, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự ổn định của nền kinh tế, tốc độ đô thị hóa, sự kết nối của hạ tầng giao thông và sự phụ thuộc của BĐS vào tín dụng ngân hàng giảm xuống là động lực tăng trưởng chính cho thị trường BĐS trong dài hạn. “Sự phát triển nội tại của kinh tế Việt Nam cùng với các chính sách định hướng hợp lý đang giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch và bền vững hơn. Tuy nhiên, DN BĐS niêm yết chưa thực sự làm hài lòng nhà đầu tư, khi rất ít DN tạo ra lợi nhuận đủ lớn để vừa tái đầu tư, vừa trả cổ tức cho cổ đông. Do đó, trong ngắn hạn, việc lựa chọn cổ phiếu thận trọng sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với việc đầu tư theo số đông” – ông Phương nhận xét.
Bài học lớn từ biến cố
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, sự chuyển mình của chứng khoán Việt Nam luôn có nhiều điều thú vị. Trong 10 năm qua, thị trường đã chứng kiến những “biến cố” lớn. Cụ thể, năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam ở đỉnh cao với sức tăng trưởng nóng từ vài chục đến cả trăm điểm phần trăm. Tuy nhiên, chỉ sau đó một năm, tình thế đã hoàn toàn xoay chuyển. Năm 2008 đánh dấu sự lao dốc của thị trường, khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến đà phát triển toàn cầu. Chỉ số VN-Index lúc này lao dốc từ khoảng 900 điểm tới vùng 300 điểm.
Thị trường BĐS trong giai đoạn này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá nhà đất sụt giá, chỉ trong thời gian ngắn đã giảm khoảng 30 – 40%. Tồn kho BĐS năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Nợ xấu của nhiều DN BĐS có nguy cơ tăng vọt. Theo ông Sử Ngọc Khương, từ những bài học kinh nghiệm và việc phân tích diễn biến thị trường, việc đánh giá tổng thể chu kỳ kinh tế, chọn lựa một chiến lược đầu tư trung, dài hạn là rất cần thiết để các nhà đầu tư có được những giải pháp hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán cũng như BĐS Việt Nam.
“Các nhà đầu tư sẽ dần dần từ bỏ khái niệm lướt sóng khi đầu tư tầm nhìn trung và dài hạn mới đem lại hiệu quả rõ rệt nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Cụ thể hơn, các công ty niêm yết BĐS sẽ là các mục tiêu đầu tư hoặc hợp tác hàng đầu cho những nhà đầu tư chiến lược, những nhà phát triển BĐS trong và ngoài nước. Vì các công ty niêm yết này có lợi thế thông tin rõ ràng, minh bạch và đã đạt một quy mô nhất định cùng bề dày kinh nghiệm phát triển đáng kể” – ông Khương nhận định.
Thực tế thị trường ghi nhận không ít những ví dụ điển hình như Nam Long (NLG), Phát Đạt (PDR), Năm Bảy Bảy (NBB) cùng các đối tác, nhà đầu tư bắt tay phát triển dự án. Bên cạnh đó là sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng đầu tư trong cơ cấu sở hữu của những công ty niêm yết BĐS tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến các DN niêm yết tiếng tăm và uy tín để “chọn mặt gửi vàng” trên thị trường BĐS.
Ông Sử Ngọc Khương cũng cho rằng, các công ty tư nhân nếu muốn nâng tầm sẽ cũng dần chuyển mình để trở thành một công ty đại chúng, nâng cấp hệ thống quản trị, công bố thông tin và quan hệ nhà đầu tư để có thể thu hút nhiều hơn cho mình các cơ hội phát triển trong tương lai. Quá trình này sẽ thúc đẩy thêm nguồn vốn vào cả thị trường BĐS cùng thị trường chứng khoán, tăng khối lượng giao dịch và số lượng cổ phiếu niêm yết trở nên đa dạng hơn.
“Sự cạnh tranh giữa các công ty niêm yết, các công ty tư nhân cũng sẽ giúp thị trường có chuyển biến tích cực khi các DN không chỉ phải thể hiện khả năng của mình với khách hàng mà còn cả với những đối tác, nhà đầu tư. Thị trường cũng từ đây mà sẽ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn nữa” – ông Khương nhận định, đồng thời cho rằng: Sau giai đoạn tích lũy vừa qua, với điều kiện thị trường Việt Nam tiếp tục tận dụng được các yếu tố hội nhập kinh tế thế giới, thu hút sự quan tâm và tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư cùng sự quản lý có hệ thống và tầm nhìn của cơ quan chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của một thị trường chứng khoán Việt Nam trong một tâm thế bền vững cùng chu kỳ mới kéo dài.
Hiện đã có 57 DN BĐS trên sàn niêm yết, thanh khoản thị trường hiện đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên. Ngày càng có nhiều sự hiện diện của các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư trong cơ cấu sở hữu của những công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến các DN niêm yết có uy tín để “chọn mặt gửi vàng” trên thị trường BĐS. |