VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Đường sắt Cát Linh đội vốn hơn 205%, chưa biết bao giờ hoàn thành

– Đường sắt Cát Linh – Hà Đông điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%.

Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận Kiểm toán dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) với rất nhiều sai phạm được nêu ra, như Bộ GTVT đã không báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là chưa đúng quy định.

  duong sat cat linh doi von hon 205%, chua biet bao gio hoan thanh hinh 1   Dự án Cát Linh – Hà Đông chỉ còn 1% khối lượng nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

Đặc biệt, dự án có nguy cơ thua lỗ và chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, nhưng vẫn được đánh giá “có hiệu quả kinh tế”.

Qua mặt, không báo cáo Chính phủ?

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã chỉ ra hàng loạt sai sót. Theo KTNN, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,59 tỷ đồng, tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%.

Việc tăng tổng mức đầu tư theo Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016 của Bộ GTVT trong khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội (QH) về việc điều chỉnh, chưa đúng quy định của Nghị quyết số 49/2010/QH12 của QH và luật Đầu tư công (dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải trình QH xem xét, quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có nguy cơ thua lỗ và chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, nhưng vẫn được đánh giá “có hiệu quả kinh tế.

KTNN cho rằng, chủ đầu tư kết luận dự án hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác. Lý do, khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác. Phương án tài chính công trình ngay từ khi lập dự án đã cho thấy khả năng phải bù lỗ rất lớn, nhưng các bên có liên quan lại chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.

“Lưu lượng khách hàng do đơn vị tư vấn lập dự án giả định tính toán, phân tích hiệu quả cao hơn nhiều so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT. Công tác lập dự toán cũng chưa tính đến việc xử lý nền đất yếu khu vực depot, dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện”, kết luận của kiểm toán nêu.

Ngoài ra, liên quan đến công tác thương thảo, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng, KTNN cho rằng, Bộ GTVT phê duyệt dự toán và ký kết phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với giá trị 178,7 triệu USD, cao hơn 8,36 triệu USD (tương đương 186,7 tỷ đồng) so với giá ký hợp đồng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (chiết giảm tối thiểu 5% dự toán thiết bị là 170,16 triệu USD), nhưng không báo cáo Thủ tướng là sai quy định.

Nhiều bất lợi khi vay vốn Trung Quốc

Việc vay vốn của Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn đầu tư cho dự án, nhưng gặp những ràng buộc, bất lợi cho phía VN như phải thực hiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện 13.751,4 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư

Đặc biệt, về công tác lựa chọn nhà thầu, KTNN đánh giá, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát theo hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Trung Quốc. Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu và phê duyệt trúng thầu trước khi được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để thanh toán cho gói thầu này, chưa đúng quy định của luật Đấu thầu.

Kiểm toán Nhà nước kết luận, Bộ GTVT đã không báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là chưa đúng quy định.

Theo KTNN, dự án sử dụng vốn vay chưa hiệu quả do việc phối hợp triển khai thực hiện và giải quyết những khó khăn trong thực hiện cơ chế tài chính chậm chạp, kéo dài. Đơn cử, hiệp định vay 1,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 169 triệu USD, ký ngày 22/10/2008, có hiệu lực ngày 27/4/2010, bắt đầu tạm ứng (15% giá trị hợp đồng EPC) từ năm 2009 và thanh toán cho khối lượng xây lắp từ tháng 12/2012 và đến tháng 9/2015.

Hiệp định vay bổ sung 1,597 tỉ nhân dân tệ, tương đương 250,62 triệu USD, ký ngày 11/5/2017 (ngày 25/12/2017 mới có hiệu lực), nhưng đến 17/4/2018 mới bắt đầu giải ngân và đến hết tháng 6/2018 mới giải ngân được 9,3 triệu USD, chiếm 3,7%.

“Việc vay vốn của Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn đầu tư cho dự án, nhưng gặp những ràng buộc, bất lợi cho phía VN như phải thực hiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện 13.751,4 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư”, KTNN nêu rõ.

Về tiến độ dự án, theo hợp đồng EPC, thời gian hoàn thành, chạy thử và bàn giao công trình không quá 48 tháng (kể từ năm 2010) và được điều chỉnh đến ngày 30/9/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm KTNN vào cuộc (tháng 11/2018), dự án vẫn chưa hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư, chậm gần 4 năm.

KTNN khẳng định, chủ đầu tư chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định. Theo cập nhật của Thanh Niên, tính đến tháng 9/2019, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao dù chỉ còn 1% khối lượng.

Xem xét trách nhiệm chủ đầu tư, tổng thầu

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, trong đó mạch vữa lát gạch nền ga Cát Linh chưa đồng đều gây mất thẩm mỹ. Chủ đầu tư cũng không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định của Chính phủ.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho 1 dự án có nhiều sai phạm như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông?

Quá trình lập dự án chưa nghiên cứu, so sánh phương án kỹ thuật để lựa chọn, dẫn tới phải thay đổi như phương án nhà ga, xử lý nền đất yếu khu depot. Thời gian thực hiện dự án kéo dài gây trượt giá xây dựng, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư khi chưa xem xét yếu tố trượt giá có xu hướng giảm của 3 năm liền kề, bổ sung vào tổng mức đầu tư một số chi phí không đúng quy định (chi phí xây dựng tăng thêm 21,07 triệu USD, chi phí trả nợ gốc phần vay của hiệp định vay 250 triệu USD).

Chủ đầu tư cho phép Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt ký phụ lục hợp đồng số 11 điều chỉnh hình thức hợp đồng từ đơn giá và tỷ lệ phần trăm sang hình thức trọn gói khi một số hạng mục chi phí chỉ tạm tính, không có dự toán chi tiết, thương thảo bổ sung phí xây dựng tăng thêm 21,07 triệu, gây lãng phí vốn ngân sách nhà nước.

Trước hàng loạt sai sót, tồn tại trên, KTNN đề nghị Ban QLDA đường sắt, Bộ GTVT phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký. Cục Đường sắt Việt Nam phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trong tạm phê duyệt dự toán gói thầu EPC, thẩm định, phê duyệt dự toán còn nhiều sai sót, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu giữa các nhà thầu Trung Quốc không đúng quy định.

KTNN cũng đề nghị Bộ GTVT phải tăng cường kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, tư vấn đối với công tác hoàn thiện của tổng thầu nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật cho công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông phải xử lý về tài chính 874,5 tỉ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước 91 tỷ đồng; xử lý khác 1.781,899 tỷ đồng./.

Nguồn VOV.VN-TT