Không phải ngẫu nhiên mà “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000” vừa được UBND thành phố Hà Nội đề nghị một số bộ, ngành đóng góp ý kiến lại nhận được sự phản ứng quyết liệt của dư luận.
Dời Ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý đất vàng
Ga Hà Nội, Ảnh: Việt Long/Soha
Sự quan tâm đặc biệt của người dân và truyền thông với đồ án này cũng là sự không khó hiểu bởi ga Hà Nội với tên cũ “Hàng Cỏ” là một địa điểm mang tính lịch sử quan trọng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Ga Hà Nội đã tồn tại hàng trăm năm và là một tên tuổi khắc đậm dấu ấn cùng ký ức với người dân Hà Nội và cả nước.
Vẫn biết phát triển đô thị, đặc biệt là một đô thị quan trọng số một đất nước như Hà Nội là điều tất yếu. Nhất là Hà Nội đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy tại sao Đồ án xây dựng lại ga Hà Nội theo chiều hướng phát triển hiện đại hóa đô thị lại bị phản ứng?
Điểm lại sơ qua nội dung chính của Đồ án. Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1ha với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người). Ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế và là ga trung tâm của các tuyến đường sắt đô thị. Tại đây ngoài khu ga Hà Nội mới được bố trí nằm tại khu vực trung tâm có cao độ 40- 70 tầng sẽ là một loạt khu tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng, thương mại, truyền thông, dân cư…đều có độ cao tương đương. Bên cạnh đó, công trình điểm nhấn cũng được Đồ án đề xuất phương án thiết kế các công trình xây dựng phía tây bắc khu vực hồ Linh Quang với chiều cao từ 100-200m. Thời gian thực hiện Đồ án theo 3 giai đoạn đến năm 2035 với tổng kinh phí ước tính 23.800 tỷ đồng.
Nhìn vào những con số của Đồ án chúng ta thấy đó là những con số biết nói. Nó là một bài toán khó của sự thách thức. Trong đó điều quan trọng của Đồ án đó là chiều cao. Với cao tầng 70 đồng nghĩa với độ cao xấp xỉ 200m. Không khó hình dung sự đồ sộ thế nào của khu ga Hà Nội mới so với kiến trúc xung quanh. Mặt trước ga Hà Nội có đường biên là phố Lê Duẩn tách bạch với khu phố cũ còn được gọi là phố Tây. Cùng với phố cổ, khu phố cũ là những di sản vật thể của một Hà Nội lịch sử. Nếu ga Hà Nội với cao độ 70 tầng là hiện thực thì những con phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng…sẽ bị nuốt chửng về cảnh quan kiến trúc. Những con phố với rất nhiều biệt thự cổ đang được thành phố gìn giữ phỏng còn có ý nghĩa gì với khu ga chọc trời kia nữa. Nguy hại hơn là việc xây dựng công trình cao tầng cạnh hồ Linh Quang sát với di tích quốc gia cấp đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám. E rằng lúc đó thì Văn Miếu- Quốc Tử Giám, niềm tự hào của người dân Việt về lịch sử và truyền thống cha ông sẽ phải núp bóng dưới tầm cao những công trình của Đồ án.
Thú thật tôi rất bất ngờ và không tài nào hiểu nổi những người lập Đồ án vì lý do gì lại đưa ra những ý tưởng bất chấp kiến trúc và luật định như vậy. Với di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám nghiêm cấm những công trình cao tầng ở khu vực lân cận.
Đối với khu phố cũ cũng là địa điểm được thành phố bảo tồn một số hạng mục, mới chỉ năm ngoái, thành phố đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô. Trong đó cụ thể những khu vực xung quanh ga Hà Nội chỉ được xây dựng cao tối đa 18 tầng, khoảng 65 m. Quy chế được ký tháng 4/2016 vẫn chưa ráo mực thì chỉ hơn năm sau đã xuất hiện Đồ án phá vỡ chiều cao quy định tới 3 lần. Một sự tiền hậu bất nhất khó có thể chấp nhận.
Thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp về chống ùn tắc trong đó có đề án cấm xe máy. Với khu ga Hà Nội nằm ở vùng lõi khó mở rộng các tuyến đường xung quanh thì việc tập trung một đô thị mới với vài chục ngàn dân và số lượt hành khách đi tàu tập trung cao điểm mỗi ngày thì đây là một gia tăng áp lực giao thông nghiêm trọng cho Hà Nội. Ngay cả thời điểm hiện tại thì khu vực xung quanh ga Hà Nội đã là điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Ngoài kiến trúc và giao thông, Đồ án cũng gây thắc mắc cho dư luận khi trong con số dự toán 23.800 tỷ đồng chỉ có khoảng 3.800 tỷ đồng dành cho xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, xây dựng tuyến, ga và các công trình trong phạm vi khu ga Hà Nội. Còn lại khoảng 20.000 tỷ đồng là dành cho các dự án phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch. Dễ nhận ra con số gấp nhiều lần ấy dành cho bất động sản của Đồ án. Đây liệu có phải là lý do chính để Đồ án phải ép cao độ tầng lên đến con số 70?
Trong khi ở thành phố HCM mới ra quy định không cấp phép xây dựng cho các công trình cao ốc tập trung đông người ở những nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh đang thu hút sự quan tâm và ủng hộ của người dân thì Hà Nội lại đưa ra một Đồ án với nhiều thắc mắc. Xây dựng một khu ga Hà Nội mới hiện đại là nhu cầu cấp thiết của thành phố nhưng gắn với mục đích ấy để phát triển bất động sản trong một khu vực nhạy cảm mang tính lịch sử như ga Hà Nội liệu có là một giải pháp tích cực và thiết thực? Tôi và không ít người nghĩ là không. Nói theo TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN: “Tôi cho rằng đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho TP…”.
Tôi mong muốn Đồ án xây dựng ga Hà Nội mới sẽ không mang mục đích như vậy theo như cách nói của ông Phạm Sĩ Liêm. Đó sẽ phải là một công trình mang thay đổi tích cực cho Hà Nội nếu Đồ án được thực hiện. Sự sửa đổi hơp lý Đồ án sẽ không còn là bài toán khó của sự thách thức nữa. Hy vọng là thế!
Nguồn VNN-TT