Dù Covid-19 đang đẩy nền kinh tế thế giới vào thời kỳ suy thoái sâu nhất kể từ những năm 1930, nhưng bất động sản vẫn đảo chiều tăng giá.
Ảnh minh họa.
Lý giải từ The Economist, “chính sách tiền tệ”, “chính sách tài khóa” và “sự thay đổi của người mua nhà” giúp bất động sản trở thành kênh đầu tư an toàn, đặc biệt tại những thị trường đặc thù như Việt Nam.
Giá nhà tăng gần 20% giữa đại dịch
Tính đến 6/10, thế giới có 35,4 triệu ca mắc Covid-19, 1,04 triệu người tử vong vì dịch bệnh. Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái lớn nhất trong 90 năm qua, và phải mất ít nhất 5 năm để phục hồi.
Trái với lo ngại từ giới địa ốc – giá nhà sẽ giảm như đại suy thoái 2008-2009 làm mất hàng nghìn tỷ USD, thì giá bất động sản quý II/2020 đang theo trên chiều hướng tăng ở hầu hết các quốc gia.
Tiêu biểu như giá nhà tại Đức tăng 11% so với cùng kỳ 2019. Còn giá bất động sản quý II tại Mỹ tăng nhanh hơn so với bất kỳ quý nào trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Tại Canada, giá trung bình của một căn nhà bán trong tháng 8/2020 là $586.000, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng tương tự ghi nhận ở Hàn Quốc và Trung Quốc khiến chính quyền sở tại phải thắt chặt các quy định để “kìm” cho giá nhà khỏi tăng vọt.
Theo đà tăng chung của thị trường thế giới, bất động sản tại Việt Nam ghi nhận tăng giá ở nhiều phân khúc. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82%. Còn tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5% so với cùng kì năm 2019, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36%.
Trong khi đó, số liệu mới nhất từ JLL cho biết, đà tăng giá của nhà phố, biệt thự tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Giá sơ cấp do các chủ đầu tư chào bán lần đầu đạt ngưỡng 5.337 USD mỗi m2 trong quý III/2020, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư ‘hái ra tiền”?
Có 3 nguyên nhân The Economist đưa ra để lý giải cho sự “đảo chiều” của giá nhà giữa bối cảnh chung. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cắt giảm lãi suất cơ bản để giảm lãi suất cho vay thế chấp. Các nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa lãi suất thực giảm và giá nhà tăng.
Thứ hai, chính sách tài khoá thay đổi có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến nguyên nhân tăng giá nhà. Dù hàng triệu người mất việc nhưng chính phủ các nước trong đó có Việt Nam đã tìm cách bảo toàn thu nhập của các hộ gia đình cũng như đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho thị trường nhà ở.
Cuối cùng xu hướng mong muốn có một nơi ở tốt hơn diễn ra mạnh mẽ trong dịch bệnh. The Economist lý giải, mọi người phải làm việc ở nhà thường xuyên do giãn cách xã hội sẽ nảy sinh mong muốn tìm kiếm các không gian rộng hơn, đẩy nhu cầu nhà ở tăng cao.
Trong ngắn hạn và trung hạn, bất động bất động sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng giá
Theo dõi sự thăng trầm của thị trường địa ốc trong hơn 2 thập kỷ qua, chuyên gia bất động sản Trần Trọng Hoan nhận định thị trường Việt Nam không chỉ hội tụ đầy đủ những yếu tố chung theo sự tăng giá nhà thế giới, mà đây còn là thị trường đặc thù do thiếu hụt nguồn cung.
“Khi nguồn cung chưa thể tăng lên do việc cấp phép được siết chặt, trong khi nhu cầu nhà ở tại Việt Nam vẫn còn rất lớn thì giá nhà vẫn neo cao”, vị chuyên gia nhận định.
Cụ thể, ông Hoan cho biết, nguồn cung thị trường địa ốc đã giảm mạnh từ năm 2019 kéo dài sang 2020. Nguồn cung “tụt dốc” cộng hưởng với chi phí phát triển dự án tăng cao khiến chủ đầu tư không thể hy sinh chi phí vốn và biên lợi nhuận để giảm giá thành sản phẩm. Trong khi đó, áp lực tăng trưởng dân số, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM khiến lực cầu tăng đều đặn dù có dịch bệnh hay không.
Đồng quan điểm, báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cho hay giá nhà xu hướng vẫn có thể tăng. Ít nhất 6 tháng đến 1 năm tới, bất động sản không có chuyện giảm giá. Giới chuyên gia cho rằng, trước mắt bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư an toàn, đặc biệt với thị trường Việt Nam khi người dân có tâm lý tích trữ tài sản hữu hình chờ tăng giá sau dịch./.