VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin tức

Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần: “Nóng” chuyện quản chặt xuất cảnh hàng loạt “sếp” dầu khí

Sau vụ việc nhiều cán bộ trong ngành “mất tích”, Bộ Công Thương mới đây đã yêu cầu quản chặt việc xuất cảnh nhiều cán bộ trong ngành, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, tuần qua cũng “nóng” chuyện xác định đối tượng tung tin đổi tiền, vấn đề quy hoạch các dự án thép hay việc biển hiệu tiếng Trung vẫn ngập ở các làng gỗ Đồng Kỵ.

 >> Đã xác định đối tượng tung tin đổi tiền
 >> Quản lý chặt việc xuất cảnh hàng loạt “sếp” doanh nghiệp dầu khí
 >> Đại diện Bộ Công Thương: “Dứt khoát phải làm thép”

Quản lý chặt việc xuất cảnh hàng loạt “sếp” doanh nghiệp dầu khí

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, sau một loạt các trường hợp các lãnh đạo, cựu lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí ra nước ngoài và ở lại bằng nhiều lý do khác nhau, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm soát việc đi nước ngoài của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành. Số lượng cán bộ bị hạn chế xuất cảnh không dưới 100 người.

Đặc biệt với riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các nguồn tin từ Bộ Công Thương và từ Tập đoàn này cho biết, cơ quan chức năng đã gửi một danh sách yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn này kiểm tra, rà soát, theo dõi và có biện pháp quản lý việc xuất cảnh với một số lượng cán bộ lãnh đạo của PVN và các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn này.

Những cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nói trên được cho là có liên quan đến những vụ việc mà cơ quan chức năng đang kiểm tra làm rõ như tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty Hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PV-Tex)…với nhiều dự án liên quan như Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học EThanol Phú Thọ, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II…

Bộ Công Thương quyết làm thép

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần hai quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.

Tiếp tục đưa dự án thép Cà Ná, Nghi Sơn, Dung Quất vào danh mục các dự án trong quy hoạch, tuy nhiên, tên chủ đầu tư dự án đã không còn được nhắc tới trong dự thảo mới nhất. Dự án Hoa Sen – Cà Ná đã được đổi thành dự án Cà Ná Ninh Thuận.

Bộ Công Thương cũng công khai danh sách 12 dự án thép bị loại khỏi quy hoạch ngành. Trong số 12 dự án thép bị loại bỏ khỏi quy hoạch, quy mô lớn nhất thuộc về dự án mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do Công ty CP gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, quy mô 1 triệu tấn gang, sắt xốp/năm và 1 triệu tấn phôi vuông/năm. Dự án này bị loại bỏ do “năng lực chủ đầu tư kém”. Hiện giai đoạn 2 của dự án này cũng đang chậm tiến độ 8 năm và đang chờ phương án xử lý từ phía cơ quan quản lý.

Trong khi ngành thép trong nước đang “nín thở” trước quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của mình thì mặt hàng sắt thép nhập khẩu đã và đang diễn biến hết sức lo ngại. Lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam tính hết tháng 11/2016 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, “thép Trung Quốc có lợi thế sản xuất quy mô, lại được chính sách hỗ trợ giá khi xuất khẩu từ chính phủ, các ngân hàng xuất khẩu của nước này. Do đó, giá thép Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh rất lớn và nếu so sánh ngang giá, thép Trung Quốc không có đối thủ”.

Trao đổi với báo chí về quan điểm đối với việc phát triển các dự án thép, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định: “Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh”.

Cần 7.000 tỷ đồng để “hồi sinh” mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Tĩnh

Trao đổi với báo chí chiều ngày 12/12, đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, hiện Bộ Công thương đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê.

Theo đó, cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê và phải tái cơ cấu cổ đông. Nguồn vốn có thể huy động thêm từ các doanh nghiệp tư nhân trong ngành thép như Tập đoàn Hoà Phát, Tôn Hoa Sen góp vốn vào đó. Đây là những doanh nghiệp có nguồn tiền và cũng là những doanh nghiệp sẽ tiêu thụ.

Xác định đối tượng tung tin đổi tiền

Liên quan đến tin đồn thất thiệt về việc Việt Nam chuẩn bị đổi tiền, từ cuối tháng 10/2016, trên mạng xuất hiện một số bình luận xuyên tạc chủ trương, chính sách kinh tế của Nhà nước. Từ đó bịa đặt thông tin Việt Nam chuẩn bị đổi tiền, dàn dựng hình ảnh mẫu tiền mới, bịa đặt rằng những mẫu tiền này đã được in và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, từ đó kêu gọi người dân rút hết tiền khỏi ngân hàng để mua vàng, ngoại tệ, kèm theo các bình luận phỉ báng chính quyền và kích động chống phá.

Các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã xác định và đang tập trung điều tra mở rộng, làm rõ các đối tượng liên quan trang facebook “Vịt Bầu”, cũng như các đối tượng khác tham gia bịa đặt, xuyên tạc, tán phát thông tin thất thiệt để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau một tuần đi xuống là chủ yếu, sáng ngày 12/12, giá USD đã tăng mạnh trở lại, với mức tăng phổ biến từ 10 – 35 VND tại các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, với sự kiện Fed tăng lãi suất, giá vàng tuột mốc 36 triệu đồng/lượng vào ngày 15/12.

Biển hiệu tiếng Trung vẫn tràn ngập ở các làng gỗ Đồng Kỵ, “cởi” đồng phục tại phố Lê Trọng Tấn

Tháng 6/2016, sau khi báo chí lên tiếng về một số làng nghề khu vực phường Đồng Kỵ (Bắc Ninh), tràn lan biển hiệu tiếng Trung Quốc, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã lập đoàn kiểm tra xuống trực tiếp phường Đồng Kỵ để lập biên bản, tháo dỡ đồng thời thu hồi nhiều biển quảng cáo bằng tiếng Trung không đúng quy định. Các biển hiệu này gần như hoàn toàn đều là tiếng Trung, nếu có chữ Tiếng Việt thì kích thước cũng rất bé.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí ngày 13/12, mặc dù nhiều hộ kinh doanh đã chỉnh sửa nhưng các biển hiệu quảng cáo tại đây vẫn tràn ngập tiếng Trung, cho dù đã sửa tỉ lệ chữ tiếng Trung nhỏ hơn theo quy định.

Việc triển khai tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn với các biển hiệu đồng phục đã được hơn 6 tháng. Thế nhưng, việc các cửa hàng cùng “khoác” đồng phục biển hiệu khiến cho khách hàng rất khó nhận biết.

Chính vì vậy, nhiều cửa hàng trên tuyến phố này đã thay đổi màu sắc và thiết kế trên khung của biển hiệu “đồng phục” để khách hàng dễ nhận biết hơn.

Bãi bỏ hàng loạt thủ tục: Cuộc cách mạng tại Bộ Công Thương

Thôn tin đưa ra tại Hội nghị tập huấn về cải cách hành chính của Bộ Công Thương năm 2016 được tổ chức sáng 13/12 cho hay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước năm 2017. Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý.

Ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương chia sẻ, trong năm 2016, Bộ Công Thương cố gắng phấn đấu đạt top 10 về chỉ số xếp hạng par index trong các bộ ngành.

Đến hết năm 2016, xổ số Vietlott chỉ được bán hợp pháp tại 12 địa phương

Thời gian vừa qua, tại một số địa phương Vietlott chưa tổ chức vận hành hệ thống kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán, nghĩa là chưa lắp đặt thiết bị đầu cuối để bán sản phẩm này thì vé xổ số tự chọn điện toán Vietlott đã được một số người dân bán một cách tự phát. Thậm chí, một số địa bàn, giá bán tăng thêm từ 1.000 – 2.000 đồng so với mệnh giá phát hành.

Vietlott cho biết, từ 18/7 đến hết năm 2016, Vietlott chỉ tổ chức kinh doanh tại 12 thị trường (gồm TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Quảng Ninh).

Vietlott khẳng định, không có chủ trương cho phép đại lý bán vé xổ số tự chọn số điện toán ngoài địa điểm bán hàng đã được ký kết trong hợp đồng đại lý, bán sai mệnh giá phát hành cũng như khuyến mại, quảng cáo sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán mà pháp luật không cho phép.

Đợt chào bán cổ phần VNM đợt 1 do SCIC nắm giữ cao hơn giá thị trường 7%

5,4% cổ phần Vinamilk về tay tỷ phú Thái với 500 triệu USD

Chiều ngày 12/12 đã diễn ra lễ chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Để nắm giữ “cổ phiếu vàng” Vinamilk, F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing đã chi trả đúng 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD, trong khi đó, nếu tính theo giá VNM giao dịch trên sàn chứng khoán thì giá trị lô cổ phiếu thấp hơn 800 tỷ đồng.

Đây cũng là hai nhà đầu tư duy nhất đăng ký tham dự phiên đấu giá này và đều thuộc F&N, một tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Sau giao dịch này, F&N sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại VNM lên 16,35% vốn điều lệ.

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), phiên đấu giá này đã không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đặt ra, đó là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu để mong muốn tạo sự công bằng cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế có cơ hội tham gia mua cổ phần tại Vinamilk.

Nguồn DTO-TT