– UBND TP Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về một số nội dung liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ.
Cụ thể, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, dự thảo sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở thành: “Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được trên 70% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cự thông qua Hội nghị nhà chung cu”. Đồng thời bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ.
Về quy định diện tích căn hộ tối thiểu, Hà Nội đề xuất diện tích căn hộ trong các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn Thành phố phải đảm bảo không nhỏ hơn 30 m2 và căn thương mại từ 45 m2 trở lên (tính theo diện tích thông thủy).
Trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương được chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa. Việc chỉ định này theo Hà Nội nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây mới, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư đã tự bỏ vốn của doanh nghiệp theo đề nghị của thành phố.
Để có thể chủ động trong việc xem xét điều chỉnh đối với từng khu chung cư cũ, tránh trường hợp đối với mỗi dự án là một lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND Thành phố được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Xây dựng, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vướng mắc nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là Thủ tướng đã ban hành quy định các khu vực nội đô, trung tâm ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM không được tăng chiều cao dự án, không tăng dân số. “Không cho tăng chiều cao thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, không thể đền bù giải phóng mặt bằng” – đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản nhận định.
“Chính quyền các địa phương phải chủ động nếu điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng phải báo cáo Thủ tướng xem xét”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian qua ở Hà Nội đã có “giằng co” về tầng cao trong xây dựng cải tạo chung cư cũ. Dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ (quận Ba Đình), một trong những dự án đầu tiên về cải tạo chung cư cũ, được triển khai từ năm 2007 nhưng do nhiều vướng mắc khiến dự án kéo dài đến 10 năm.
Theo Quyết định số 11 (ngày 4/4/2016), do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử (4 quận nội đô gồm Ba Đình; Hai Bà Trưng; Đống Đa; Hoàn Kiếm), thì dự án cải tạo nhà B6 Giảng Võ thuộc phân vùng có quy mô 21 tầng (tương đương chiều cao 76 m). Nhưng theo quyết định điều chỉnh một số nội dung của Dự án cải tạo xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ của UBND TP Hà Nội, dự án này đã được nâng tầng cao là 24 tầng; tầng hầm 3 tầng, số lượng căn hộ 342 căn.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, đề xuất cho phép nâng tầng, nâng chiều cao công trình dự án tại khu nội đô cải tạo chung cư cũ của Hà Nội cần phải xem xét kỹ lưỡng, nó sẽ đi với các quy hoạch phân khu; quy chế quản lý nhà cao tầng mới ban hành của Hà Nội… trong việc kiểm soát nhà cao tầng, hạn chế dân số tăng ở khu nội đô.