Số liệu giám sát từ cơ quan dân cử ở Hà Nội cho thấy có hàng trăm dự án chậm triển khai với tổng diện tích trên 44 triệu m2.
Ngày 10/8, HĐND TP Hà Nội công khai kết quả giám sát việc quản lý sử dụng đất đối với các dự án vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2012-2017.
Kết quả giám sát của HĐND TP cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án còn nhiều. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể như các dự án: Trung tâm thương mại Đền Lừ, quận Hoàng Mai; tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp quận Thanh Xuân; khu văn phòng và nhà ở tại số 2-4 Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình; bệnh viện đa khoa Quang Trung tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Nam Đàn Plaza (Công ty CP địa ốc dầu khí viễn thông), quận Nam Từ Liêm…
Người dân chăn vịt tại một dự án chậm triển khai của huyện Mê Linh. Ảnh: Giang Huy.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường và tại 8 đơn vị đoàn giám sát làm việc trực tiếp, số dự án chậm triển khai, để đất hoang hoá lên đến 211 dự án với tổng diện tích trên 44 triệu m2. Trong đó có những dự án đã được thành phố kiểm tra phát hiện từ năm 2012 nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.
Ngoài ra, qua báo cáo của 22 quận huyện, đoàn giám sát phát hiện thêm 172 dự án chậm triển khai, nâng tổng số các dự án trong diện này lên 383 trường hợp.
Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng Mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Chậm thu hồi dự án do Sở Tài nguyên quên trình thành phố
Từ thực tế giám sát, cơ quan dân cử thành phố Hà Nội cho hay, số liệu tổng hợp dự án chậm và dấu hiệu vi phạm có sự sai lệch lớn giữa các cơ quan quản lý. Nhiều dự án có trong báo cáo của quận, huyện nhưng không xuất hiện trong báo cáo của Sở, ngành và ngược lại.
Đơn cử, Sở Tài nguyên Môi trường báo cáo 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai), trong khi tổng hợp từ các quận, huyện ra số liệu trên 383 dự án.
Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh là một trong những dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh. Ảnh: Giang Huy.
Cũng theo kết quả giám sát, việc xử lý các dự án vi phạm còn hạn chế, kết quả thực hiện kiến nghị giám sát, chất vấn của HĐND TP không được triển khai dứt điểm. Nhiều dự án HĐND thành phố kiến nghị thu hồi từ năm 2012 nhưng chưa được hoàn thành.
Cá biệt có dự án chậm tại Ba Vì do Sở Tài nguyên Môi trường quên hồ sơ không trình UBND TP ra quyết định thu hồi. Đó là dự án do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư tại thôn Đông Viên, xã Đông Quang, Ba Vì.
Báo cáo từ các đơn vị cho thấy nhiều dự án được thành phố chấp nhận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm hoàn thành thủ tục để được giao đất, cho thuê đất. Thậm chí có dự án nhận chủ trương đầu tư 10 năm vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để được giao đất như Khu đô thị Việt Á, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh; Khu làng Việt cổ tại Hoài Đức.
Dự án khu nhà ở cho cán bộ cao cấp Bộ Công an (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 Vạn Xuân làm chủ đầu tư) đã xác định tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất, nhưng sau 2 năm chủ đầu tư vẫn không nộp tiền với lý do thiếu thuyết phục là “không có đường vào để triển khai dự án”.
Đoàn giám sát cũng nêu rõ, các sở ngành thành phố đã không công khai các dự án chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai định kỳ theo quy định. Sở Quy hoạch Kiến trúc không báo cáo được số dự án phải điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết để phù hợp quy hoạch đã được duyệt, số dự án không phải điều chỉnh.
Từ thực tế trên, đoàn giám sát kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác số dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn. Thanh tra, kiểm tra các dự án chậm triển khai và xử lý theo quy định pháp luật.
Sáng 13/8, HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo UBND TP; Giám đốc, thủ trưởng sở ngành liên quan; Chủ tịch UBND một số quận, huyện, thị xã sẽ trả lời chất vấn.
Nguồn VnExpress-TT