Vài năm trở lại đây, loại hình homestay đã xuất hiện và đang ngày một phát triển tại Việt Nam. Homestay cũng được đánh giá là dòng sản phẩm nghỉ dưỡng bình dân có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Vài năm trở lại đây, loại hình homestay đã xuất hiện và đang ngày một phát triển tại Việt Nam. Homestay cũng được đánh giá là dòng sản phẩm nghỉ dưỡng bình dân có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Mô hình nghỉ dưỡng tiềm năng
Homestay – Mô hình kinh doanh đang thu hút sự quan tâm của nhiều người (Ảnh TL)
Homestay là hình thức du lịch mang tính cộng đồng. Hiện nay, bên cạnh những căn hộ homestay do người dân tự xây dựng và khai thác, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã phát triển những sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng phù hợp với kinh doanh Homestay cao cấp để bán cho các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, homestay được xây dựng, phát triển theo các dạng nhà chòi, lều gỗ, nhà nấm, nhà container, những căn nhà nhỏ được thiết kế đan cài với không gian thiên nhiên và mang đặc trưng văn hóa vùng miền.
Đánh giá về tiềm năng của homestay, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, cho biết, mô hình homestay hiện nay đang có nhiều lợi thế, bởi chúng ta đang có một thị trường du lịch rất phát triển. Nhu cầu đi du lịch của người dân tăng lên do thu nhập tăng.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng: Chúng ta có sẵn cơ sở vật chất, chúng ta có sẵn hạ tầng, chúng ta có sẵn những vùng miền văn hóa. Đặc biệt, Việt Nam có lịch sử văn hóa và rất nhiều danh lam thắng cảnh mà nhiều nước không có được. Vì vậy, homestay sẽ là mục tiêu trước mắt và lâu dài của du lịch mà chúng ta cần nhắm đến.
Thị trường homestay tại Việt Nam đang phát triển khá đa dạng, phân cấp để hướng tới từng đối tượng khách hàng. Từ các homestay giá rẻ dành cho các bạn sinh viên chỉ cần thuê giường tầng cho tới các khu homestay đầu tư quy mô rộng lớn. Đặc biệt, nắm bắt nhu cầu của du khách, ngày càng nhiều người bắt tay vào kinh doanh dịch vụ này. Ngay tại Hà Nội và TP. HCM, cũng có hàng chục địa điểm du lịch homestay cho du khách lựa chọn.
Không cạnh tranh với các khách sạn, resort cao cấp về dịch vụ, tiện ích, sức hút của homestay nằm ở sự độc lạ trong thiết kế, cảnh quan, mức giá rẻ và hướng tới đối tượng khách hàng ưa thích du lịch trải nghiệm. Do vậy nên đối tượng khách hàng của homestay phần lớn là người trẻ, dân phượt và khách nước ngoài du lịch bụi. Mức giá của homestay khá rẻ so với giá thuê của khách sạn 5 sao, dao động từ 150,000-800,000 nghìn đồng/ngày đêm.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Hiện nay, BĐS nghỉ dưỡng đang được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam, trong đó, homestay được coi là xu hướng mới được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi lợi nhuận cao trong khi gặp ít rủi ro hơn những loại hình nghỉ dưỡng khác.
Homestay là hình thức lưu trú ngắn hạn, vì vậy khả năng tính toán doanh thu cao hơn so với cho thuê truyền thống trung bình từ 20 – 30%. Đặc biệt, tại các địa điểm du lịch, con số này có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần cho thuê truyền thống tại địa phương đó.
Hiện nay, tại Hà Nội đang dần hình thành xu hướng khách du lịch nước ngoài và cả người Việt Nam lựa chọn nghỉ dưỡng trong các homestay. Điều này đã tạo điều kiện cho loại hình này ngày càng phát triển và thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh.
Theo ông Lê Tuấn Bình, Quản lý bộ phận đầu tư của Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam: Hiện nay, homestay đã bắt đầu phát triển ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng. Theo thống kê không chính thức, ở Hà Nội hiện có khoảng 200 homestay và homestay là mô hình hoạt động hiệu quả khá tốt.
Anh Bùi Quang Huy, người sáng lập và điều hành Hệ thống Easterstay cho biết thêm: Những căn nhà nằm trong ngõ thường không có giá trị cao trong khai thác kinh doanh. Thế nhưng, nếu đầu tư homestay thì lại hoàn toàn phù hợp vì có không gian cho khách hàng trải nghiệm.
Theo các chuyên gia, lợi thế của homestay so với các loại hình nghỉ dưỡng khác đó là yêu cầu về pháp lý đối không cao, mức lợi nhuận từ 6 – 8%/năm và khá ổn định. Ngoài ra, rất nhiều hệ thống start-up hỗ trợ cho việc đặt phòng homestay.
Tuy nhiên, homestay vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Tại Việt Nam, mô hình này chủ yếu còn tự phát hay hoạt động như một căn hộ hoặc nhà nghỉ, đơn thuần chỉ là nơi để khách lưu trú mà chưa thực sự mang đến giá trị trải nghiệm như những gì khách hàng mong muốn. Ngoài ra, các homestay còn chưa chú trọng việc quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn chung.
Hiện nay, tại các địa phương như: Quảng Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… cũng đang lập đề án nhằm phát triển mạnh hình thức du lịch cộng đồng. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian tới, homestay hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều dấu ấn trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam.
Nguồn NLĐO-TT