Cùng khẳng định mong muốn đẩy dự án về đích sớm nhưng giữa chủ đầu tư và tổng thầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa tìm được tiếng nói chung.
Sau gần 10 năm ròng rã, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang chững lại ở khâu nghiệm thu các hạng mục để thanh toán, bàn giao toàn bộ công trình. Suốt 1 năm qua, tuyến tàu điện trở thành nỗi bức xúc lớn của người dân khi đã xây xong nhưng chưa thể sử dụng.
“Xây xong nhưng chưa nghiệm thu xong”, đó là khẳng định của Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) – chủ đầu tư dự án. Cũng chính vì vướng mắc trong nghiệm thu, đòi hỏi thanh toán 50 triệu USD vừa qua của tổng thầu Trung Quốc không được Bộ GTVT chấp nhận.
“Chủ đầu tư đã sẵn tiền và cũng rất mong muốn giải ngân”, ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt khẳng định với phóng viên sau thông tin tổng thầu đòi 50 triệu USD. Ông cũng lý giải thời gian gặp gỡ báo chí không có nhiều vì Ban quản lý và tổng thầu đang thường xuyên nhóm họp để thúc đẩy việc nghiệm thu, thanh toán.
Khu depot Yên Nghĩa, nơi đặt trung tâm điều hành và hầu hết máy móc thiết bị tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Ngọc Tân.
Ông Phương cho biết Ban quản lý đã lắng nghe và rất chia sẻ khó khăn về nguồn vốn với tổng thầu. Qua nhiều đợt giải ngân, đến nay tiến độ thanh toán cho tổng thầu đã đạt xấp xỉ 80% khối lượng và dự kiến trước lúc bàn giao sẽ thanh toán đến 95%, giữ lại 5% trong 2 năm bảo hành.
Nói về việc Tổng thầu Cát Linh – Hà Đông yêu cầu thanh toán ngay 50 triệu USD, đại diện chủ đầu tư tái khẳng định việc đòi hỏi thanh toán lúc này là chưa đúng trình tự.
“Theo trình tự, khối lượng công việc làm xong đến đâu, tổng thầu trình hồ sơ lên để nghiệm thu và giải ngân thanh toán đến đó. Hồ sơ đủ điều kiện thì chủ đầu tư thanh toán luôn, chưa đủ điều kiện thì chưa giải ngân. Bộ GTVT và Ban quản lý dự án đã chuẩn bị đủ nguồn tiền, nhưng việc thanh toán phải căn cứ đúng hợp đồng”, ông Phương giải thích.
Nói sâu hơn về nguyên nhân khiến hồ sơ thanh toán không đủ điều kiện, ông Phương cho biết dự án có tất cả 11 chuyên ngành thiết bị, chỉ cần có 1 số chi tiết chưa đủ điều kiện nghiệm thu thì không thể nghiệm thủ được cả hệ thống.
Đại diện chủ đầu tư nêu rõ trình tự công việc tiếp theo là vận hành thử kết hợp đánh giá an toàn hệ thống, nhận chứng chỉ đánh giá an toàn, hoàn thiện hồ sơ hoàn công để trình chủ đầu tư nghiệm thu (Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư), nghiệm thu xong sẽ bàn giao và đưa vào khai thác.
Vạch rõ được trình tự công việc, Ban quản lý dự án thừa nhận việc xác định mốc hoàn thành là rất khó khăn. Dù đã nhẩm tính được hạn khánh thành nhưng cũng chưa thể khẳng định vì công việc tiếp theo phụ thuộc vào sự hợp tác của tổng thầu.
Trước mắt, tổng thầu phải đưa nhân sự sang Việt Nam hoàn thiện hiện trường, hồ sơ, tiến hành vận hành thử, đáp ứng các điều kiện đánh giá an toàn hệ thống để bàn giao đưa vào vận hành.
“Các bên đang tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ để trình thanh toán”, ông Phương khẳng định.
Tổng thầu bị thầu phụ thúc ép
Lý giải về yêu cầu thanh toán ngay 50 triệu USD, ông Đường Hồng, lãnh đạo Tổng thầu Cát Linh – Hà Đông (Công ty HH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) cho biết đòi hỏi của họ xuất phát từ sức ép phải trả nợ cho các nhà thầu phụ. Hiện 100% thiết bị của 11 chuyên ngành thiết bị đã về công trường nhưng các thầu phụ cung cấp thiết bị vẫn chưa được thanh toán đầy đủ.
“Chỉ cần 1 trong số 11 nhà cung cấp thiết bị này không sang Việt Nam thì chúng tôi không thể vận hành thử để đánh giá an toàn hệ thống được”, ông Đường Hồng giải thích và cho biết con số 50 triệu USD chưa phải là tất cả khối lượng thanh toán còn lại nhưng là khoản cần ngay.
Ông Đường Hồng, Giám đốc dự án, đại diện tổng thầu Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Việt Linh.
Tổng thầu cho biết đến nay đã nhận được 78,97% khối lượng thanh toán từ chủ đầu tư. Nếu được trả thêm 50 triệu USD, khối lượng thanh toán sẽ tăng lên 86,7% và vẫn còn cần 85,7 triệu USD nữa mới hoàn tất 100% khối lượng thanh toán.
Hiện, tổng thầu cho rằng việc thanh toán ngay 50 triệu USD là phù hợp với điều khoản hợp đồng, trong khi chủ đầu tư lại khẳng định theo hợp đồng thì việc thanh toán ngay là chưa phù hợp.
Lý giải bất đồng này, ông Đường Hồng cho biết trong hợp đồng chỉ nêu ngắn gọn về điều khoản thanh toán, tổng thầu căn cứ vào đó để định ra các kỳ thanh toán. Mỗi giai đoạn như lắp đặt xong, nghiệm thu tĩnh xong, nghiệm thu động xong sẽ quy định mức phần trăm thanh toán khác nhau.
“Chúng tôi cho rằng đã đủ điều kiện thanh toán cho kỳ này, chủ đầu tư cho rằng chưa đủ, phải bàn thêm. Đây là điều rất bình thường. Sắp tới 2 bên sẽ tiếp tục thương thảo”, đại diện tổng thầu cho biết.
Tuy nhiên, vị quản lý người Trung Quốc cũng khẳng định trường hợp chủ đầu tư không đáp ứng 50 triệu USD cho tổng thầu thì kế hoạch đưa người sang vận hành thử toàn hệ thống sẽ không thể tiến hành được. Việc thanh toán cho các nhà thầu là điều kiện tiên quyết để tiếp tục phối hợp đưa dự án về đích.
“Dự kiến đợt 1 vào ngày 12/6 sẽ đưa được 26 chuyên gia sang Việt Nam. Bao giờ đưa sang hết còn phụ thuộc vào tiến độ thanh toán”, đại diện tổng thầu khẳng định.
Dự kiến, trong tuần này Ban quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu Cát Linh – Hà Đông sẽ nhóm họp để giải quyết vấn đề.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết Tổng thầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông yêu cầu 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ) để vận hành hệ thống, thanh toán trước khi bàn giao.
Ngoài việc bất đồng quan điểm về thanh toán, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông xuất hiện thêm nhiều vướng mắc như còn một số lượng hồ sơ chưa đủ điều kiện nghiệm thu và cần phải hoàn thiện thủ tục pháp lý. Các hạng mục kiến trúc nhà ga, khu depot có dấu hiệu bong tróc sơn, cần khắc phục. Các hạng mục thiết bị cũng còn một số tồn tại.
Những vấn đề cũ được nêu từ nhiều tháng trước cũng chưa được khắc phục như đề cương và kế hoạch vận hành thử toàn hệ thống chưa hoàn thiện. Đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống chưa xong do tổng thầu chưa phối hợp cung cấp các hồ sơ tài liệu. Hầu hết chuyên gia người Trung Quốc cũng chưa được đưa sang Việt Nam do quy định hạn chế nhập cảnh.
Nguồn ZingNews.vn-TT