VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước

 Đoàn giám sát Quốc hội kiến nghị, giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa và báo cáo Quốc hội.
Kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước
Theo báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.

Việc cổ phần hóa hãng phim truyền Việt Nam đang dính nhiều lình xình.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, công tác cổ phần hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn 2011-2016 cả nước cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Đã thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa sở hữu tại doanh nghiệp, nhờ đó huy động được nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản trị, tạo ra động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả SXKD.
Một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Tập đoàn Xăng dầu, Tổng Công ty  Hàng không, qua đó tìm được nguồn hỗ trợ không chỉ về tài chính mà còn về quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm chuyên môn, phát triển thị trường…
Một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra, như Bộ Xây dựng chậm cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam…
Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều Tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh. Một số doanh nghiệp thay đổi mô hình hoạt động nhưng hiệu quả kinh tế và quy mô hoạt động chưa được cải thiện đáng kể so với trước khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm; quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản giảm so với trước cổ phần hóa…
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã cổ phần hóa và báo cáo Quốc hội. Giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của Quỹ này.
Đối với Chính phủ, cần nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.
Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai diễn ra phức tạp
Đoàn giám sát cũng chỉ ra, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản… diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn, chiếm.
Theo đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội, doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.
Việc quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp (bao gồm quyền sử dụng đất) theo Chính phủ thì về cơ bản được thực hiện theo pháp luật quy định nhưng qua công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước cho thấy vẫn còn sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản.
Tập trung ở một số khâu như thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản cố định không đúng quy định của Nhà nước, sai thẩm quyền, sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất thực tế; trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật; huy động, quản lý, sử dụng vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả.
Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.
Nguồn VnMedia-TT