VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Kiến nghị tổng kiểm tra đất đai tại các đặc khu tương lai

Tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 25/5, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, khu vực đất “vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho biết, qua các lần tiếp xúc cử tri, người dân đã bày tỏ rất bất bình trước tình trạng nguồn lực đất đai đang bị rơi vào tay các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này không đầu tư cho sản xuất, mà chỉ chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức, làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thậm chí, theo đại biểu Đinh Duy Vượt, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức, cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn thị trường bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm. Vì vậy, cử tri mong muốn cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng Trung ương, nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng này.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận, đã đến lúc cần phải thay đổi cơ chế thu hồi đất nhằm tránh tình trạng nhập nhèm, biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương thời gian gần đây.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lập luận, với chính sách quy định giá hàng năm mà các tỉnh công bố chỉ bằng 10 – 20% giá thị trường, rồi chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp lại làm hạ tầng, thậm chí có những nơi chẳng cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra với giá cao gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần, khiến người dân uất ức thì việc đi khiếu kiện khắp nơi cũng là điều dễ hiểu.
Theo ông Cương, nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cần nghĩ tới quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. “Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, hay đất không thể canh tác được, mà người dân vẫn không mua nổi 1 suất đất hay 1 căn chung cư của chính dự án để sinh sống”, ông Cương nói.
“Điều đó chỉ ra rằng, thu hồi đất không chỉ là bài toán về phát triển kinh tế mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý xã hội, quản lý dân cư, giải quyết nạn thất nghiệp, phòng chống tội phạm…”, ông Cương nhìn nhận và cho rằng, việc thu hồi đất vì mục đích kinh tế – xã hội, nhất là thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, cần phải thay đổi từ cơ chế lẫn quy định pháp luật, theo hướng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường.
“Chính quyền không thu hồi đất thay cho doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án phải lấy ý kiến của người dân, chứ đừng để tình trạng như ở một số nơi đến khi thu hồi đất người dân vẫn không biết là có dự án”, ông Cương kiến nghị.
Nguồn VnMedia-TT