Việt Nam đón làn sóng bất động sản công nghiệp đầu tiên năm 1996, làn sóng thứ hai năm 2008 và 2020 là chu kỳ mới mạnh mẽ nhất 25 năm.
Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp – Đón sóng đầu tư mới gần đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn.
Theo ông, làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ. Thế nhưng, năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.
Ông Hoàng phân tích, trên thực tế, làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới (làn sóng thứ ba) đã manh nha từ khoảng 6 năm trở lại đây và bùng mạnh vào năm 2020. Điều này cho thấy không đợi đến xung đột Mỹ – Trung mà từ trước đó, các doanh nghiệp đã có sự cân nhắc chuyển dịch. Đến khi có sự tác động của Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ ở chu kỳ mới này.
Đặc điểm của làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất. Quá trình này không quá phụ thuộc vào một đối tác nào. Trên hết, mục tiêu của khách thuê muốn đa dạng hóa thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng.
“Qua trao đổi với những đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà đầu tư rất muốn sang Việt Nam nhưng chưa thực hiện được”, ông Hoàng nói.
Thị trường bất động sản công nghiệp phía Tây TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Nhận định về làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đại dịch Covid-19 trở nên khó đoán, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Mỹ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này. Cụ thể, các doanh nghiệp hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều xem Việt Nam là một điểm đến ưu tiên.
Theo ông Thống, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn bắt nguồn từ chiến lược hành động hiệu quả của cả Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế.
Bên cạnh đó, chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng là điểm cộng để phát triển bất động sản công nghiệp cho Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do được Chính phủ ký kết trong năm 2020 và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA – cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, tạo lực đỡ giúp các khu công nghiệp đủ điều kiện đón các “chú chim đại bàng” lớn (nhà sản xuất lớn). Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Tỏ ra hào hứng với làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới năm 2020, ông C.K Tong, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial xác nhận: “Gần đây, chúng tôi nhận được những lời yêu cầu thuê đất, nhà xưởng, nhà kho từ những doanh nghiệp có nguồn gốc từ châu Âu. Đáng chú ý là những doanh nghiệp này cũng đã có nhà xưởng đặt tại Trung Quốc”.
Ông C.K Tong nhận xét, ở nhóm khách hàng châu Âu, họ có nhu cầu rất lớn về mặt bằng cho những công ty sản xuất nội thất. Trong khi đó, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn nhận được sự quan tâm từ các công ty trong nước. Khi Covid-19 diễn biến phức tạp, cản trở nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những nguồn cầu chính để phát triển bất động sản công nghiệp.
CEO BW Industrial dự báo, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5-10 năm tới nhờ vào nhu cầu lớn trong việc thiết lập nhà xưởng của các nhà đầu tư mới và hiện hữu. Cụ thể, hiện Việt Nam là điểm đến hàng đầu của dòng vốn từ nước ngoài, các nhà sản xuất công nghệ cao và kỹ thuật đang chạy đua để xây dựng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Thống kê của BW Industrial, trong 9 tháng qua, đã có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc và lựa chọn điểm đến là Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nhiều nhà đầu tư khác đã lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất của mình. Đơn cử như Samsung, việc dịch chuyển đầu tư của “chú ong chúa” này đã mang theo hàng trăm nhà cung ứng nước ngoài đến Việt Nam.
“Điểm quan trọng trong việc dịch chuyển này là các nhà sản xuất không di chuyển một mình. Đây là sự dịch chuyển của toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng như một xu thế tất yếu và vì vậy cơ hội từ làn sóng mới rất lớn”, ông C.K Tong nói.
Bàn về các xu hướng đầu tư bất động sản công nghiệp trong làn sóng mới, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.
Xu hướng thứ hai là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.
Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu. “Những dự án này nằm trong các khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ là những mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới”, đại diện CBRE Việt Nam chia sẻ.
Nguồn VnExpress-TT