VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Loạn dự án ‘ma’ ở TP.HCM: Mạo danh chủ đầu tư, rao bán cả đất công

Tình trạng dự án ‘ma’ loạn đến mức có trường hợp đất quy hoạch công trình công cộng, cây xanh cũng ngang nhiên rao bán.

Mạo danh chủ đầu tư, bịa tên dự án

Thời gian gần đây, trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM trầm lắng, các dự án “ma” xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc cho chính quyền các quận huyện liên tục đưa ra cảnh báo, nhiều đơn vị môi giới vẫn cố tình quảng cáo thông tin nhà đất không đúng sự thật, gây rủi ro cho nhà đầu tư.

  Loạn dự án 'ma' ở TP.HCM: Mạo danh chủ đầu tư, rao bán cả đất công   Công ty Sacareal mạo danh chủ đầu tư, bịa tên dự án tại “dự án” Khu dân cư D-Village

Tại khu đất rộng 7.740m2, địa chỉ số 535 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hiện đang được Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Cát Tường (Công ty Sacareal) rao bán với cái tên “dự án Khu dân cư D-Village”. Theo quảng bá, dự án này được quy hoạch nhà phố liền kề, số lượng 72 căn với diện tích đất dao động từ 58 – 88m2/nền.

Ngoài quảng cáo sở hữu vị trí đắc địa, mặt tiền Quốc lộ 13, Công ty Sacareal còn giới thiệu chủ đầu tư dự án là doanh nghiệp khác, có tiếng ở TP.HCM. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp bị ‘mượn tên’ xác nhận, họ không hề triển khai dự án Khu dân cư D-Village nào ở địa chỉ số 535 Quốc lộ 13.

Tìm hiểu của PV VietNamNet, vị trí đất nêu trên có nguồn gốc từ 3 thửa đất do 3 cá nhân là ông Nguyễn Xuân Phước, ông Nguyễn Xuân Lợi và bà Nguyễn Thị Ngọc Tâm đứng tên sở hữu. Hiện tại khu đất đang được ông Phước – bà Tâm thi công hạ tầng theo giấy phép xây dựng được UBND quận Thủ Đức cấp ngày 11/6/2019.

Theo ông Nguyễn Quang Chi, Chủ tịch UBND Phường Hiệp Bình Phước, trên địa bàn phường không có dự án nào mang tên Khu dân cư D-Village. Về quy hoạch, khu đất tại địa chỉ số 535 Quốc lộ 13 có một phần thuộc quy hoạch đất giao thông, một phần thuộc quy hoạch đất nhóm nhà ở hiện hữu chỉnh trang.

Mới đây, UBND phường Trường Thạnh, quận 9 cũng có văn bản cảnh báo dấu hiệu lừa đảo tại khu đất thuộc thửa đất số 559, 560, tờ bản đồ số 17 mặt tiền đường Lò Lu, tổ 1, khu phố Ích Thạnh do Công ty CP Thiết kế xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (Công ty Đại Phúc Real) rao bán.

Theo quy hoạch, 2 thửa đất này là đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, thế nhưng Công ty Đại Phúc Real lại bịa tên là dự án Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1. Xác minh của UBND phường Trường Thạnh cho thấy, khu đất trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một cá nhân và chủ đất này khẳng định không uỷ quyền hay có bất kỳ cam kết nào đồng ý cho Công ty Đại Phúc Real phân phối, mua bán tại vị trí khu đất trên.

Cảnh báo mua bán đất nền bằng hình thức lập vi bằng

Tình trạng rao bán đất nền phân lô vô tội vạ khu vực vùng ven TP.HCM khiến cho chính quyền các quận, huyện liên tục đưa ra cảnh báo. Theo UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, thời gian gần đây địa phương nhận được thông tin một sàn giao dịch bất động sản tổ chức giới thiệu cho khách hàng về dự án phân lô đất nền tại giao lộ Dương Thị Giang – Tân Thới Nhất 17, khu phố 4.

Qua kiểm tra, UBND phường Tân Thới Nhất khẳng định tại vị trí này hiện không có dự án đất nền nào đang triển khai. Ngoài ra, khu đất trên nằm hoàn toàn trong khu vực quy hoạch tái định cư, đã được giao cho Công ty Công trình Giao thông công chánh TP đầu tư xây dựng khu tái định cư.

Trước đó, UBND quận Bình Tân cũng có văn bản đề nghị các phường có thông tin cảnh báo về 9 khu đất không rõ ràng về pháp lý được giới “cò đất” và công ty môi giới rao bán trên internet, chủ yếu ở các phường như An Lạc, Tân Tạo A, Bình Hưng Hoà A, Bình Hưng Hoà B, Bình Trị Đông A. Bên bán thu tiền từ 50 – 400 triệu đồng dưới hình thức hợp đồng góp vốn và lập vi bằng, hứa hẹn 6 – 12 tháng sẽ ra sổ đỏ.

Theo UBND quận Bình Tân, các khu đất này được san lấp, phân lô bán nền trái phép, chuyển nhượng đất không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch. Có trường hợp chủ đất đã thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng vẫn lập vi bằng chuyển nhượng.

Các công ty rao bán dự án “ma” ở quận Bình Tân là Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angle Lina (3 khu đất); Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nablaland (2 khu đất); Công ty Hoàng Kim Land; Công ty BĐS Anh Kiệt; Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) lý giải, có nhiều nguyên nhân khiến dự án “ma” ngày càng nở rộ và một trong số đó là do thị trường bất động sản TP.HCM đang trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh về nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc dừng triển khai.

Theo Chủ tịch HoREA, khó khăn của doanh nghiệp địa ốc có nguyên nhân từ sự chậm trễ trong khâu pháp lý. Nhiều chủ đầu tư bỏ chi phí lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lý, không thể triển khai dự án.

“Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở căn hộ thương mại bình dân có giá bán vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho số đông người tiêu dùng là những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khó tạo lập nhà ở”, ông Châu nói.

Thống kê của HoREA cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, tại TP.HCM chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư. Có 24 dự án được cấp phép xây dựng, 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn.

Nguồn VNN-TT