Khu đô thị Ngoại giao đoàn |
Ngày 22/5/2017, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Đoàn Ngoại giao (ĐNG) tại Hà Nội – tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 địa điểm phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo đó, quy mô dân số hiện nay của khu ĐNG đã tăng từ 9.700 người theo Quyết định 368 lên hơn 20.000 người theo Quyết định 2905 và thực tế các căn hộ chào bán.
Không chấp thuận với điều chỉnh này, ngày 8/10/2017, hàng trăm cư dân khu ĐNG đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư và gửi đơn lên Bộ Xây dựng kiến nghị. Theo đơn, đại diện liên minh các tòa nhà đã tố cáo chủ đầu tư không lấy ý kiến cư dân khi điều chỉnh quy hoạch, khiến khu đô thị bị vỡ kiến trúc quy hoạch, nguy cơ trở thành Linh Đàm thứ 2.
Tại buổi họp giữa chủ đầu tư, nhà đầu tư cấp 2 và cư dân ngày 14/10/2017, ông Lê Việt Đức, đại diện cộng đồng cư dân khu ĐNG, cho biết, khi mua nhà tại đây, ông được chủ đầu tư giới thiệu dự án có bốn tuyến đường lớn thông ra đường Võ Chí Công, Xuân La, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Văn Đồng.
“Đường Nguyễn Văn Huyên chưa biết bao giờ mới kết nối được vào đô thị. Chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây giáp ranh khu đô thị ĐNG đã hoàn thiện một con đường dẫn ra đường Võ Chí Công và nếu được đi qua chỉ mất 5 phút ra đường Võ Chí Công. Hiện chỉ có một con đường duy nhất ra vào khu đô thị là đường Đỗ Nhuận dẫn ra đường Phạm Văn Đồng, nhưng phải đi vòng vài ki-lô-mét mới về được nhà. Cư dân chúng tôi đi tạm con đường sang TC2 để ra đường Xuân La, nhưng nay họ cũng đóng lại vì lượng xe cộ quá đông”, ông Đức bức xúc.
Nhiều cư dân đặt vấn đề với chủ đầu tư về việc chủ đầu tư tổ chức lấy ý kiến mười người dân không đại diện cho cư dân ĐNG? Đồng thời đại diện cư dân cho biết sẽ đề nghị thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra tất cả điều chỉnh quy hoạch. Đề nghị UBND Tp.Hà Nội thu hồi quyết định quy hoạch này.
Đại diện chủ đầu tư, ông Bùi Xuân Dũng, Tổng Giám đốc Hancorp, đã trả lời nhiều câu hỏi bức xúc của người dân đặt ra.
Theo ông Dũng, đây là buổi đối thoại để cùng bàn bạc và tìm hướng đi tốt nhất, đồng thời khẳng định, có việc gì vượt qua thẩm quyền Hancorp sẽ kiến nghị lên thành phố.
“Chúng ta đừng bảo ai vi phạm pháp luật vì phải căn cứ cụ thể. Chúng tôi dựa trên quy hoạch phân khu tổng thể để có lập luận kiến nghị thành phố. Các bác phải nghe vấn đề này cơ quan chức năng giải thích. Chúng tôi chỉ đề xuất dựa trên quy định của pháp luật”, ông Dũng khẳng định.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, theo quy định, chủ đầu tư chỉ có nhiệm vụ hoàn thành hạ tầng trong khu đô thị, còn ra ngoài hàng rào là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tại nhiều khu đô thị, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân đã xảy ra.
Chính vì điều này, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong Nghị định 11 có đề xuất khắc phục câu chuyện đấu nối hạ tầng của các dự án với hệ thống khung (bên ngoài hàng rào của dự án). Việc kết nối hạ tầng có thể có hàng chục dự án và có thể bằng vốn ngân sách của Nhà nước.
Sau khi ban hành, rất nhiều địa phương đã phát triển các đô thị theo tinh thần của Nghị định 11. Và nếu thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định này, sẽ không có hiện tượng như ở dự án ĐNG hoặc ở một số nơi khác.
Đối với dự án ĐNG, theo ông Chiến, Luật Quy hoạch đã quy định rõ trong điều kiện nào được điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, dù Luật quy định như thế nhưng thực chất vẫn chưa đi vào cuộc sống. Khi quy hoạch chi tiết phải lấy ý kiến của khu dân cư mà không phải lấy ý kiến ở cấp phường, cấp quận.
“Lập một quy hoạch mới đã phải lấy ý kiến rồi, điều chỉnh quy hoạch lại càng phải lấy ý kiến người dân để đảm bảo tính công khai và dân chủ”, ông Chiến cho hay.
Nhưng trên thực tế, phần lấy ý kiến của cộng đồng và địa phương hiện vẫn còn mang tính hình thức. Vì vậy, nhiều dự án được phê duyệt, công bố rồi người dân vẫn không nắm được thông tin.
Nguồn VnMedia-TT