Với những dòng sông băng và đỉnh núi hùng vĩ, Na Uy vốn nổi tiếng là đất nước sở hữu nhiều địa danh tự nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, do địa hình khá phức tạp, việc di chuyển ở quốc gia này cũng có nhiều khó khăn.
Hiện hơn 1.000 vịnh hẹp nằm dọc đường bờ biển phía Tây của đất nước ở bán đảo Scandinavi, vì vậy để thực hiện hành trình 1.100 km từ TP phía Nam Kristiansand đến Trondheim ở phía Bắc thông qua đường biển, hiện phải mất tới 21 giờ đồng hồ, và cần tới 7 chuyến phà khác nhau.
Để giảm một nửa thời gian di chuyển, Chính phủ Na Uy đang lên kế hoạch đầy tham vọng, đó là Dự án xây đường ống nổi trên biển với tổng số vốn lên tới 40 tỷ USD.
Dự án này bao gồm nhiều cây cầu và một đường hầm có độ sâu và dài nhất thế giới (sâu 392m và kéo dài 27km).
Nhưng phần tham vọng nhất của dự án cơ sở hạ tầng này chính là các đường hầm nổi nằm dưới mặt nước biển khoảng 30m.
Nếu thực hiện thành công siêu dự án này, Na Uy sẽ giành chiến thắng trước Trung Quốc, Hàn Quốc và Italia trong cuộc đua xây dựng đường hầm nổi đầu tiên trên thế giới.
Cơ quan Đường giao thông công cộng Na Uy (NPRA) – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý dự án này – đặt mục tiêu hoàn thành công trình này vào năm 2050.
Hành trình từ Kristiansand đến Trondheim là một phần của E39, tuyến đường quan trọng bậc nhất đối với Na Uy. Kết hợp các làn đường dành cho xe mô tô, tuyến phà, E39 chạy dọc đường bờ biển Tây Nam của quốc gia này.
Theo kế hoạch, Na Uy sẽ tiến hành thử nghiệm loại đường hầm nổi mới này tại vịnh Sognefiord sâu hơn 1km, rộng hơn 100 m.
Đường hầm mới này sẽ bao gồm những ống bê tông tròn lớn được neo giữ, cách mặt biển khoảng 30 m. Mỗi hệ thống cầu sẽ bao gồm 2 đường hầm theo 2 hướng, và mỗi bên một hướng.
Các cầu phao kết nối với nhau thành hàng trên mặt nước có nhiệm vụ giữ những chiếc ống này thăng bằng, và cố định. Các mối nối sẽ khớp chúng lại với nhau. Cấu trúc này cũng sẽ được gắn vào tầng đá phía dưới để tăng độ chắc chắn.
Được làm bằng bê tông, các đường ống này sẽ hoạt động giống như các đường hầm thông thường, giúp vận chuyển các phương tiện từ đầu này đến đầu kia.
Theo giải thích của ông Arianna Minoretti – kỹ sư trưởng của NPRA, sóng và dòng chảy ở độ sâu 30 m ít mạnh hơn so với trên mặt nước biển. “Ngoài ra, một đường hầm nổi giảm thiểu tác động đến cảnh quan xung quanh, đồng thời cũng không tiếng ồn đối với người dân sống gần khu vực đó so với một cây cầu thông thường, đó sẽ là một lợi thế của dự án”, ông Minoretti nói thêm.
Kỹ sư Minoretti cho biết nếu được cấp phép xây dựng, dự án sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian hơn 30 năm.
Theo các kỹ sư lập kế hoạch cho dự án, mặc dù hệ thống đường hầm nổi có điều độc đáo khác thường, nhưng việc lưu thông sẽ không khác so với việc di chuyển qua một đường hầm thông thường.
Nguồn Kinhtedothi-TT