Năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 3 dự án lớn có tổng vốn đầu tư trên 1 ngàn tỷ đồng được triển khai. Những dự án trên được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo ra được bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và tạo điểm nhấn cho khu vực đô thị xung quanh.
Dự án đường ven sông Cái có vốn đầu tư 3.587 tỷ đồng. Ảnh: P.Tùng
Các dự án có vốn “khủng” nói trên đều nằm ở TP.Biên Hòa gồm: dự án ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu; dự án đường ven sông Cái từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản; dự án xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu nối đến đường Đặng Văn Trơn.
* Cần nguồn vốn khá lớn
Cả 3 dự án trên có tổng vốn đầu tư xây dựng trên 7,7 ngàn tỷ đồng và dự kiến sẽ được thực hiện trong 5 năm. Trong đó, dự án đường ven sông Cái cần một lượng vốn lên đến 3.587 tỷ đồng, dự án xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa cần số vốn đầu tư hơn 2.762 tỷ đồng và dự án ven sông Đồng Nai cần khoảng 1.340 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện 3 dự án “khủng” trên dự kiến sẽ lấy từ nguồn đấu giá đất công.
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa rất mong muốn 3 dự án lớn trên sớm triển khai để tạo thuận lợi cho việc đi lại, đồng thời giúp diện mạo thành phố thêm khang trang.
Bà Nguyễn Thị Hòa, người dân ở phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Người dân TP.Biên Hòa được thông tin sẽ làm đường trục trung tâm TP.Biên Hòa từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa thấy khởi công. Tôi cũng như nhiều người dân ở đây rất mong dự án được thực hiện và hoàn thành để giúp cho khu vực Cù lao Phố phát triển và tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Hiện nay, đoạn đường Đặng Văn Trơn nối từ cầu Hiệp Hòa đến cầu Bửu Hòa tuy mới làm chưa bao lâu nhưng đã quá tải”.
Đường Đặng Văn Trơn là cửa ngõ trọng yếu để vào trung tâm TP.Biên Hòa, lượng người và xe cộ lưu thông trên tuyến đường này khá lớn nên thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào những giờ cao điểm. Vì thế, khi tuyến đường trục trung tâm thành phố xây dựng sớm, sẽ giúp tháo gỡ tình trạng kẹt xe và giúp cho khu vực phường Hiệp Hòa, phường Thống Nhất và những phường lân cận phát triển hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định: “Năm 2020 và trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn triển khai 3 dự án quan trọng trên để góp phần chỉnh trang đô thị của TP.Biên Hòa, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh”. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu các sở, ngành và TP.Biên Hòa tập trung hỗ trợ nhanh các thủ tục, hồ sơ để sớm hoàn thành và tiến hành xây dựng. Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng khi 3 dự án trên xây dựng xong, những khu vực xung quanh sẽ dễ dàng mời gọi được các dự án khác đầu tư vào để làm các khu dân cư, thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp…
Thực tế, nguồn vốn để thực hiện 3 dự án lớn trên được cho là không mấy khó khăn vì trong năm 2019, tỉnh đã đấu giá được một số khu “đất vàng” và thu về hơn 6 ngàn tỷ đồng. Năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục cho đấu giá nhiều khu đất công lớn để có thêm vốn đầu tư các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh.
* Tính toán kỹ về tái định cư
Điểm “nghẽn” lớn của 3 dự án trên là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, vì số hộ dân nằm trong dự án khá lớn. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, song mỗi dự án có thể có trên dưới 1 ngàn hộ dân phải thu hồi nhà, đất. Do đó, trước mắt phải có nơi tái định cư cho người dân.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Khoảng 2-3 năm nay, đất đai ở TP.Biên Hòa tăng giá rất cao nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đối khó khăn. Hiện khó khăn lớn nhất của TP.Biên Hòa là đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho các dự án trên. Do không có đất sạch sẵn để làm các khu tái định cư cho những dự án này nên thành phố phải thu hồi đất và phải làm tái định cư cho tái định cư”.
Thực tế, tình trạng chung trên toàn tỉnh trong thời gian qua là việc thu hồi đất cho các dự án ở Đồng Nai phần lớn bị chậm lại ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa đồng tình với giá đất, vì cho rằng giá quá thấp so với giá giao dịch ngoài thị trường. Có những dự án mà riêng khâu bồi thường phải kéo dài 4-6 năm mới xong.
Như vậy, với các dự án quan trọng nói trên, nếu việc tính toán giá đất phải thu hồi để thực hiện khu tái định cư và thực hiện dự án không phù hợp thì sẽ khó triển khai nhanh để kịp tiến độ. Mới đây, bảng giá đất cho giai đoạn 2020-2024 đã được HĐND tỉnh thông qua, giá đất trong thời gian tới sẽ tăng bình quân từ 20-300% so với năm 2019, sẽ tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2019, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh: “Trong năm 2020, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt 3 dự án quan trọng là đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai và đường trục trung tâm TP.Biên Hòa. Muốn thu hồi đất nhanh để triển khai các dự án thì việc tính toán giá đất bồi thường cho người dân phải phù hợp, không để người dân quá thiệt thòi. Đồng thời, cũng không thể để vì một vài hộ dân có đất bị thu hồi đòi hỏi giá quá cao mà cả dự án bị ách tắc theo”.
Nguồn NLĐO-TT